Hải Phòng: Người dân chủ động khắc phục, tháo dỡ công trình trên đất nông nghiệp
Ngay sau khi nhận được thông tin về kết luận của UBND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng về việc tháo dỡ công trình trên đất nông nghiệp tại thôn 6, xã Thủy Triều - người dân đã tự nguyện, chủ động khắc phục hành vi vi phạm về việc sử dụng đất nông nghiệp được giao theo đúng chủ trương.
Liên quan đến việc gia đình ông Trần Văn Thuấn ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng xây dựng gần 924m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp đã được gia đình nhà ông Thuấn mua lại của các hộ dân trong xã. Các mảnh đất mà ông Thuấn đã được chuyển nhượng lại của vài hộ dân trong xã đã được UBND xã Thủy Triều cập nhật cho sử dụng đất từ nhiều năm nay. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình ông Thuấn đã sử dụng và phát triển kinh tế về nghề mộc gia truyền trên những những mảnh đất này bằng việc cho quây tôn và gạch vữa lại để tránh chuột bọ, làm nơi để những mảnh gỗ ván mà xưởng nhà ông Thuấn sản xuất, gia công.
Việc quây tôn làm kho, đặt máy móc gia công sản phẩm gỗ nông nghiệp của nhà ông Thuấn trên đất 03 của xã không chỉ là trường hợp cá biệt mà còn là của nhiều hộ dân trong xã. Điển hình như diện tích của gia đình bà Nguyễn Thị Rum và một số hộ dân khác chưa xác định đã dựng công trình, làm vườn trên đất 03 là 828m2; Hộ ông Lê Văn Ngạn có công trình trên đất nông nghiệp 445m2; Diện tích xây dựng của ông Trần Văn Hăng trên đất 03 là 270m2.
Được biết từ tháng 4/2010 đến tháng 6/2010, xã Thủy Triều đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ ông Thuấn tại khu vực xây dựng trái phép 924m2 với số tiền 2 triệu đồng và ông Thuấn đã chấp hành nộp phạt.
Và sau đó đến ngày 17/5/2021, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2540/QĐ-XPVPHC đối với ông Trần Văn Thuấn số tiền 22.500.000 đồng. Đồng thời cũng ra quyết định yêu cầu ông Thuấn thực hiện khắc phục hậu quả số 4300/QĐ-CCXP buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Và gần nhất, ngày 12 và 17/5/2023, UBND huyện Thuỷ Nguyên tiếp tục ban hành Thông báo số 307/TB-UBND và 315/TB-UBND gửi ông Thuấn và các cơ quan chức năng: Yêu cầu ông Thuấn chấp hành Quyết định xử phạt VPHC số 2540/QĐ-XPVPHC, tự tháo dỡ công trình vi phạm, di chuyển toàn bộ tài sản, vật kiến trúc ra khỏi diện tích vi phạm, trả lại hiện trạng đất ban đầu trước ngày 25/5/2023; Giao Phòng TN&MT tham mưu cho UBND huyện chủ trì, cùng Phòng Tư pháp, Thanh tra huyện, UBND xã Thuỷ Triều kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ vi phạm hành chính của hộ ông Thuấn; Tham mưu UBND huyện thành lập ban cưỡng chế; Xây dựng kế hoạch, phương án cưỡng chế xong trước ngày 26/5/2023; Sau khi có chủ trương đồng ý của Thường trực Huyện ủy, tham mưu UBND huyện họp Ban cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả vi phạm xong trước ngày 10/6/2023.
Trao đổi với phóng viên về quyết định này, ông Lê Văn Thỉnh - Chủ tịch UBND xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên cho biết xã đã cho kiểm tra về việc gia đình ông Trần Văn Thuấn có quây tôn gần 924m2 để làm nghề mộc, kho để gỗ, ván, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã, duy trì nghề mộc truyền thống địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm của xã và huyện. Chính vì thế, được sự uỷ quyền của huyện, xã đã vận động gia đình ông Thuấn chủ động trong việc tháo dỡ, khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực sản xuất đồ gỗ truyền thống của gia đình ông Thuấn trên đất nông nghiệp tại thửa đất số 481, tờ bản đồ số 01, thôn 6, xã Thủy Triều, ông Trần Văn Thuấn cho biết do hiện nay diện tích đất khá rộng, sử dụng làm xưởng đã nhiều năm cùng với số lượng công nhân làm việc khá đông mà gia đình nhà ông mở xưởng gỗ tạo điều kiện cho các thanh niên trong xã có công ăn việc làm khiến việc tháo dỡ, di chuyển máy móc, gỗ ván rất khó khăn có thể dẫn đến thiệt hại lớn, hư hại hết nguyên vật liệu sản xuất và người lao động mất việc làm.
"Gia đình chúng tôi đã được lãnh đạo và các ban ngành của xã tuyên truyền, vận động nên đã ý thức tự động tháo dỡ khắc phục cơ bản các sai phạm về việc sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mong muốn xã, huyện, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để không chỉ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh ngành nghề nông nghiệp, truyền thống được sản xuất mà còn tạo điều kiện cho các lao động nông thôn mà gia đình tôi đang ký hợp đồng làm việc có công ăn việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng nhận thấy việc sử dụng đất nông nghiệp làm xưởng để nguyên vật liệu, máy móc sản xuất là không đúng, việc xã và huyện thực hiện nghiêm túc Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết.
Tuy nhiên nếu cứ để đất nông nghiệp hoang hóa lâu năm mà không sử dụng thì rất lãng phí. Chính vì thế, chúng tôi có góp vốn để quây tôn, dựng tạm mái làm kho vật liệu và để máy móc nhằm mục đích vừa sử dụng được khu đất phục vụ tăng gia sản xuất, vừa tạo điều kiện cho các hộ dân trong xã có công ăn việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất nông nghiệp với Nhà nước, tránh tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai (để đất nông nghiệp bị bỏ hoang). Vì thế khi nhận được thông tin tự tháo dỡ của xã, chúng tôi ý thức được sẽ chủ động khắc phục sai phạm, tự tháo dỡ một cách an toàn để không làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự của địa phương cũng như các hộ dân xung quanh” - ông Thuấn khẳng định.