Menu

Hợp tác giữa Việt Nam – Indonesia ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả

24/04/2024 22:54:24

Hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá hợp tác hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi 

Ngày 24/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi (Rét-nô Ma-su-đi) đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương (JCBC-5) Việt Nam – Indonesia. Cùng tham dự kỳ họp có các quan chức của các bộ, ngành hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao ý nghĩa quan trọng chuyến thăm Việt Nam và đồng chủ trì JCBC-5 của Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi; đồng thời nhằm thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao, nhất là sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Indonesia tháng 01/2024 và trong bối cảnh hai bên chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Bộ trưởng Bùi Thành Sơn cảm ơn Bộ trưởng Retno Marsudi đã tích cực ủng hộ, tham gia và đóng góp vào thành công của “Diễn đàn Tương lai ASEAN” (AFF) vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 23/4/2024; chúc mừng Indonesia tổ chức thành công Tổng tuyển cử đầu năm nay và tin tưởng Indonesia sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế và trở thành nước phát triển vào năm 2045 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi bày tỏ vui mừng được thăm lại Việt Nam; chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển mọi mặt thời gian qua; khẳng định Indonesia luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam. Bộ trưởng cũng đánh giá cao Việt Nam đã tổ chức rất thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, tự cường, phát huy vai trò trung tâm và vai trò tiên phong trong ứng phó với các thách thức khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Indonesia 

Hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá hợp tác hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Trên cơ sở đó, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, sớm hoành thành Chương trình hành động giai đoạn 2024-2028, góp phần gia tăng tin cậy chính trị và làm sâu sắc, thực chất hơn nữa hợp tác hai nước trên các lĩnh vực, hướng tới đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. 

Hai Bộ trưởng vui mừng đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Indonesia phát triển vượt bậc trong những năm qua. Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Thương mại hai chiều năm 2023 đạt 14 tỷ USD; riêng quý I/2024 đạt 3,6 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỉ USD vào năm 2028 theo hướng cân bằng hơn, hai bên khuyến khích sớm tổ chức họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật để trao đổi về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tận dụng các tiềm năng hợp tác giữa hai nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau.

Bộ trưởng Retno Marsudi khẳng định các doanh nghiệp Indonesia ngày càng quan tâm mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước mở rộng và đa dạng hóa đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, kinh tế số, xe điện và hợp tác Halal.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên biên giới, trong đó có tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, buôn bán người; khuyến khích thúc đẩy kết nối hàng không, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, du lịch và giao lưu Nhân dân.

Hai Bộ trưởng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Myanmar; cam kết tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương và khu vực.

Hai Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Biên bản Thỏa thuận kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia  

Hai bên nhất trí phối hợp duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN về vấn đề Biển Đông nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thúc đẩy triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tích cực thúc đẩy, sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Kết thúc kỳ họp, hai Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Biên bản Thỏa thuận kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia và nhất trí kỳ họp lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Indonesia trong năm 2026./.

Mạnh Hùng

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/hop-tac-giua-viet-nam-indonesia-ngay-cang-phat-trien-sau-rong-hieu-qua-663806.html

Bài viết cùng chuyên mục

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Phát hiện hành tinh cỡ Trái đất có khả năng có sự sống

Ngoại hành tinh TOI 700 e có kích thước xấp xỉ Trái đất, nằm trong vùng có thể ở được và cách chúng ta hơn 100 năm ánh sáng.

Không phải kim cương, đâu là vật liệu đắt nhất trên thế giới?

Vì khó sản xuất nên một số vật liệu có giá trị lên tới hàng triệu, hoặc thậm trí hàng tỷ USD cho mỗi gram.

Lục địa Châu Phi đang trong quá trình tách ra làm đôi, sẽ hình thành thêm một đại dương mới

Các mảng kiến tạo xung quanh châu Phi, vốn đang di chuyển dần xa nhau ra, sẽ phân tách châu lục này thành hai phần và tạo ra một đại dương mới trong hàng triệu năm nữa.