Menu

Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

23/04/2024 22:47:58

Hội thảo đã chỉ rõ những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các hợp tác xã (HTX) chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, do đó, cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX để tổ chức hoạt động, quản lý phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (LMHTXVN) tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT)”.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham sự hơn 2.400 đại biểu.

Hội thảo do đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LMHTXVN, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về KTTT và đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về KTTT đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố, Hợp tác xã, tổ chức tín dụng.

Điểm cầu chính của Hội thảo tại trụ sở LMHTXVN, Hà Nội (Ảnh: HNV)

Kinh tế tập thể, hợp tác xã khó hút vốn đầu tư

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực KTTT; đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực KTTT; đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển KTTT trên cả nước.

Trong những năm qua, HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song KTTT, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước (Ảnh: HNV) 

Để hỗ trợ HTX phát triển, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trong đó HTX, Liên hiệp HTX được vay ưu đãi theo Nghị định số28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, LHHTX đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX, trong đó: Tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay NNNT toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có TSBĐ đối với HTX, LHHTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (cho vay không có TSBĐ trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Hội thảo đã chỉ rõ những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, do đó cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ 1/7/2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó sự nỗ lực của bản thân từng HTX, của từng thành viên để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình KTTT phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất. Cần “nâng cao vai trò nòng cốt của LMHTXVN các cấp nhất là trong tuyên truyền, phản biện chính sách; phát huy hiệu quả các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đồng thời tăng cường hợp tác công – tư, tăng cường nguồn lực từ các xã viên HTX cũng như huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững” – Cục phó Cục Kinh tế Hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh đề xuất.

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với KTTT, HTX

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, về đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội để phát triển KTTT rất đầy đủ, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có những chương trình hành động rất thiết thực. Riêng trong ngành Ngân hàng, các chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn trong đó có HTX luôn được quan tâm hàng đầu. Hệ thống NHNN các cấp cũng xác định HTX là đối tượng cần quan tâm, hỗ trợ, có chính sách gián tiếp, trực tiếp. Thêm nữa, ngành ngân hàng cũng xác định các mô hình, mạng lưới để phục vụ kinh tế nông nghiệp, nông thôn về cơ bản đầy đủ. Bản thân các Quỹ tín dụng nhân dân cũng là phục vụ cho HTX ở các địa phương với 1.200 quỹ ở 57 tỉnh, thành phố. Quá trình tổ chức, thực hiện, triển khai tương đối tích cực nhưng thực tế cho thấy, tín dụng với HTX chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng và đang giảm. Vấn đề đặt ra ở đây là tư cách pháp lý của HTX không đầy đủ, phương thức hoạt động và phương án kinh doanh còn hạn chế, chưa rõ ràng cộng với khả năng tài chính và năng lực sản xuất kinh doanh bị giới hạn nên không tránh khỏi còn hiện tượng tổ chức tín dụng ngại và thiếu mạnh dạn cho HTX vay vốn. Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên cơ sở luật đã ban hành song song với tiếp tục đổi mới, củng cố, sắp xếp lại HTX cũng như triển khai rà soát, lại chính sách ưu tiên của các bộ ngành theo hướng khuyến khích phát triển và mở rộng HTX.

Về phía Ngành ngân hàng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực KTTT, HTX, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

 

Chủ tịch LMHTXVN Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

 

Có thể xem xét “chính sách vay vốn riêng với thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp loại hình HTX” như kiến nghị của đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh hay “gia tăng thời hạn vay vốn với HTX tối thiểu từ 10 năm trở lên” như đề xuất của đại diện HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, TP Hà Nội hoặc “cắt giảm thủ tục hành chính cho vay với khu vực HTX” như ý kiến của đại diện HTX Công bằng Thuận An, Đăk Nông…

Kết luận hội thảo, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch LMHTXVN đề nghị, thời gian tới, để các HTX phát triển hơn nữa, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, trường hợp không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế và dành nguồn lực để hỗ trợ KTTT, HTX phát triển. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ HTX phát triển. Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là LMHTXVN các cấp trong việc làm cầu nối triển khai tiếp cận các chính sách ưu đãi đối với HTX. Phát huy hiệu quả hơn nữa quỹ hỗ trợ phát triển HTX đồng thời, tăng cường nguồn lực từ chính các thành viên HTX, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững…/.

Hà Anh

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thao-go-vuong-mac-trong-tiep-can-von-tin-dung-doi-voi-khu-vuc-kinh-te-tap-the-663690.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Phát hiện hành tinh cỡ Trái đất có khả năng có sự sống

Ngoại hành tinh TOI 700 e có kích thước xấp xỉ Trái đất, nằm trong vùng có thể ở được và cách chúng ta hơn 100 năm ánh sáng.

Không phải kim cương, đâu là vật liệu đắt nhất trên thế giới?

Vì khó sản xuất nên một số vật liệu có giá trị lên tới hàng triệu, hoặc thậm trí hàng tỷ USD cho mỗi gram.

Lục địa Châu Phi đang trong quá trình tách ra làm đôi, sẽ hình thành thêm một đại dương mới

Các mảng kiến tạo xung quanh châu Phi, vốn đang di chuyển dần xa nhau ra, sẽ phân tách châu lục này thành hai phần và tạo ra một đại dương mới trong hàng triệu năm nữa.