Menu

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất để làm trái công vụ

01/04/2024 22:02:58

Đối đáp với ý kiến luật sư, đại diện Viện kiểm sát (VKS) khẳng định, việc bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, bị cáo Nhàn và các thành viên trong Đoàn thanh tra đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất của Ngân hàng SCB để cùng làm trái công vụ, bao che, bưng bít sai phạm của ngân hàng SCB.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Cựu Phó Chánh Thanh tra có vai trò là chủ mưu, cầm đầu

Chiều ngày 1/4/2024, Toà án nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số công ty có liên quan, đại diện VKS đã đối đáp ý kiến của các luật sư và bị cáo.

Luật sư Đỗ Ngọc Quang bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văng Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) không tranh luận về tội danh và khung hình phạt đối với Nguyễn Văn Hưng. Tuy nhiên, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng Nguyễn Văn Hưng không chỉ đạo các thành viên trong Đoàn thanh tra, nên không thể là người chủ mưu, cầm đầu; bị cáo Hưng có 5 tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, nhưng đề nghị 14 – 15 năm là quá nặng.

Với ý kiến này, đại diện VKS đối đáp về vai trò chủ mưu, cầm đầu của bị cáo Hưng đối với tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng là Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, là người ra quyết định thanh tra, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra theo đúng nội dung quyết định thanh tra; xử lý kết luận, kiến nghị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Tại Cơ quan điều tra (CQĐT) cũng như tại phiên toà, bị cáo đều khai nhận vai trò giám sát, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Đoàn thanh tra; tiếp nhận báo cáo từ Đoàn thanh tra và chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và Tổ tổng hợp Đoàn thanh tra xây dựng, dự thảo các báo cáo trình lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo Chính phủ về kết quả thanh tra.

Việc chỉ đạo của bị cáo thông qua Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra; ngoài ra, bị cáo Hưng cũng chỉ đạo trực tiếp các thành viên trong đoàn thông qua cuộc họp. Lời khai này của bị cáo Hưng phù hợp với lời khai của bị cáo Nhàn và các bị cáo khác trong Đoàn thanh tra về vai trò chỉ đạo, quyết định của Hưng đối với hoạt động, cũng như sai phạm của Đoàn thanh tra.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tại phiên tòa. (Ảnh: TTBC)

Quá trình điều tra, cũng như tại phiên toà đã chứng minh việc bị cáo Hưng, bị cáo Nhàn và các thành viên trong Đoàn thanh tra đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất của Ngân hàng SCB, để cùng làm trái công vụ, bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Mặc dù kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra đã làm rõ về thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB là rất xấu, sai phạm, vi phạm hầu hết tại các dự án, phương án, không đủ điều kiện cơ cấu giữ nguyên nợ nhóm 1, khả năng mất vốn, bắt buộc phải chuyển nợ xấu (nhóm 4, 5) và trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu; các sai phạm đối với nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai được phát hiện qua thanh tra tại Ngân hàng SCB là rất nghiêm trọng. Với thực trạng như vậy, SCB đã đủ điều kiện phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, phải chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý.

“Tuy nhiên, Nguyễn Văn Hưng với vai trò là người ra quyết định thanh tra đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và tổ tổng hợp xây dựng báo cáo lãnh đạo NHNN, Chính phủ, xây dựng, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra không trung thực, không đúng thực trạng tài chính, sai phạm của Ngân hàng SCB; không kiến nghị xử lý các sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB, làm sai lệch với kết quả thanh tra, với mục đích là tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu trái quy định pháp luật, để sai phạm kéo dài, không bị ngăn chặn, xử lý, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng SCB và Nhà nước”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Mặc khác, bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã thừa nhận toàn bộ việc chỉnh sửa nội dung, báo cáo không trung thực, không đầy đủ so với kết quả thanh tra tại các báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo lãnh đạo NHNN và Chính phủ do bị cáo Hưng đã chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phụng và tổ tổng hợp thực hiện.

Về vụ lợi, từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2018, Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận tiền từ lãnh đạo Ngân hàng SCB là Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn với tổng cộng là 390.000 USD. Hưng cũng nhận thức được rằng việc nhận tiền và thực hiện việc báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra là trái quy định của pháp luật.

Lời khai của bị cáo Hưng cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Nhàn, các bị cáo trong Đoàn thanh tra, phù hợp với các dữ liệu, tài liệu CQĐT thu thập được về việc nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB để chỉ đạo làm trái công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng cho Ngân hàng SCB và cho Nhà nước.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được và tại phiên tòa việc bị cáo Hưng và các bị cáo trong Đoàn thanh tra nhận tiền của SCB là có tính chất, mức độ khác với hành vi Đỗ Thị Nhàn khi nhận tiền. Khi nhận tiền bị cáo Hưng và các bị cáo trong Đoàn thanh tra không bàn bạc, thỏa thuận, hứa hẹn trước với người đưa tiền; việc nhận tiền mang tính thụ động vào các dịp họp hành với SCB, dịp lễ Tết, số tiền các thành viên trong Đoàn thanh tra nhận được nhiều ít căn cứ vào vai trò, vị trí theo đánh giá của người đưa tiền tại SCB, với số tiền từ 100 triệu đồng đến 600 triệu đồng, riêng bị cáo Hưng là 390.000 USD. Việc nhận tiền của các bị cáo có yếu tố vụ lợi theo quy định của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015.

“Do đó, căn cứ vào tính chất hành vi, vai trò, động cơ, mục đích phạm của các bị cáo trong vụ án, Viện kiểm sát truy tố bị cáo Hưng và các bị cáo là thanh viên Đoàn về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015 là có căn cứ và đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng có vai trò là chủ mưu, cầm đầu; các bị cáo khác trong Đoàn đã tiếp nhận đầy đủ ý chí của Hưng thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng là người thực hành trong vụ án này”, đại diện VKS khẳng định.

Về hình phạt, luật sư nêu bị cáo Nguyễn Văn Hưng được Viện kiểm sát đề nghị 5 tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nào là không đúng, vì trong luận tội của Viện kiểm sát đã xác định bị cáo Hưng có 3 tình tiết giảm nhẹ và 1 tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt theo điểm m, khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.

Trưởng Đoàn Thanh tra - Đỗ Thị Nhàn nhận tiền để làm trái công vụ

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Trương Mỹ Lan phạm tội đưa, nhận hối lộ, quan điểm của các luật sư cho rằng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng sau đó trực tiếp chỉ đạo các thành viên trong đoàn thanh tra, các hành vi này được thực hiện khép kín, do đó Viện kiểm sát truy tố các bị cáo trong Đoàn thanh tra là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Văn Hưng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, còn bị cáo Nhàn lại bị tách ra để truy tố tội khác nặng hơn là tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: TTBC)

Đối đáp lại ý kiến trên của luật sư, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Nhàn với vai trò là Trưởng đoàn thanh tra, kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra đã làm rõ về thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB là rất xấu, sai phạm, vi phạm hầu hết tại các dự án, phương án, không đủ điều kiện cơ cấu giữ nguyên nợ nhóm 1, khả năng mất vốn, bắt buộc phải chuyển nợ xấu (nhóm 4, 5); các sai phạm đối với nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai là rất nghiêm trọng. Với thực trạng như vậy, SCB đã đủ điều kiện phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; hồ sơ sai phạm liên quan đến các khoản vay của nhóm 71 khách hàng cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh khai cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.

Quá trình thanh tra và tổng hợp báo cáo lãnh đạo NHNN, Chính phủ, Nhàn đã nhận thức đầy đủ sai phạm và thực trạng tài chính yếu kém của SCB, cũng như hậu quả của việc thực hiện kiến nghị theo đúng kết quả thanh tra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã lợi dụng những sai phạm này của SCB, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo đã 2 lần gặp bị cáo Trương Mỹ Lan, thông báo cho Trương Mỹ Lan về các sai phạm đã phát hiện, đưa ra các biện pháp đối phó che dấu sai phạm, nhằm giúp Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.

Lần gặp thứ nhất, thanh tra đợt 1, gặp vào cuối tháng 10/2017, tại TP Hồ Chí Minh, sau khi tiến hành thanh tra tại SCB, Đoàn đã phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng, Đỗ Thị Nhàn gặp Trương Mỹ Lan để thông báo dư nợ xấu của các khoản vay theo phương án, dự án tái cơ cấu phải phân loại nợ nhóm 5, Trương Mỹ Lan đã nhờ Nhàn giúp đỡ.

Lần gặp thứ 2, gặp vào tháng 3/2018, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thanh tra làm rõ sai phạm của SCB, đặc biệt là sai phạm của nhóm 71 khách hàng tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Trước khi tiến hành thanh tra đợt 2, Lan đã bay ra Hà Nội gặp Nhàn; Nhàn thông báo cho Lan sai phạm của nhóm 71 khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai có dấu hiệu hình sự sẽ phải chuyển CQĐT và Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục thanh tra làm rõ; Nhàn hướng dẫn Lan cách tất toán các khoản vay của nhóm 71 khách hàng, hứa sẽ không bị xử lý. Bị cáo Lan đồng ý thực hiện và tiếp tục nhờ Nhàn giúp đỡ.

Sau 2 lần gặp gỡ và được bị cáo Lan đã nhờ giúp đỡ, từ tháng 3/2018 đến 12/2018, Võ Tấn Hoàng Văn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan đã trực tiếp đưa tiền cho bị cáo Nhàn 4 lần, với số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD: Lần 1 vào ngày 22/3/2018, Văn và Đinh Văn Thành, Chủ tịch SCB đến phòng làm việc của bị cáo Nhàn tại tầng 8 trụ sở Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tại 25 Lý Thường Kiệt, đưa túi quà chery trong có 200.000 USD; Lần 2 vào ngày 2/10/2018, Văn ra Hà Nội cùng Nam Tuấn lấy 2 triệu USD đựng trong thùng xốp hoa quả và đưa cho Nhàn tại nhà riêng số 1801, N03 Mandarin, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; Lần 3 ngày 9/10/2018, Văn cùng Nam Tuấn đến nhà riêng của Nhàn đưa 2 triệu USD đựng trong thùng xốp đựng hoa quả, lần này Nhàn không có nhà nên đã thông báo cho Văn và Tuấn mật khẩu mở cửa để Văn đưa thùng xốp đựng tiền vào nhà; Lần 4 ngày 12/12/2018, Văn ra Hà Nội cùng Tuấn đến nhà Nhàn đưa trực tiếp 1 triệu USD cũng để trong thùng xốp đựng hoa quả.

“Mỗi lần đưa tiền, khi nhận tiền Đỗ Thị Nhàn đều hỏi Võ Tấn Hoàng Văn là tiền gì, Văn cho biết là tiền của Trương Mỹ Lan cảm ơn Nhàn vì Nhàn đã giúp đỡ và hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra. Nhàn cũng khẳng định Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa số tiền 5,2 triệu USD để cảm ơn Nhàn đã giúp đỡ trong quá trình thanh tra”, đại diện Viện kiểm sát đối đáp.

Về nguồn tiền, do Trương Mỹ Lan chỉ đạo Phương Hồng lấy từ nguồn riêng, được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy sau đó rút ra, được Trần Quốc Hưng, Nguyễn Mạnh Thắng và Vũ Khánh Vân là cán bộ SCB Cầu Giấy đổi thành USD, đóng vào thùng xốp để đưa cho cho Văn hoặc Nguyễn Nam Tuấn, lái xe của Văn. Còn việc Văn sử dụng tiền như thế nào, cho mục đích gì Hưng, Thắng và Vân đều không biết.

“Mặc dù Trương Mỹ Lan không thừa nhận số tiền Văn đưa cho Nhàn là do Lan chỉ đạo, nhằm mục đích hối lộ Nhàn. Nhưng qua việc Trương Mỹ Lan đã 2 lần, thông qua Văn, gặp gỡ Nhàn để nhờ Nhàn giúp đỡ trong giai đoạn thanh tra; đồng thời với vị trí, vai trò là người thâu tóm, quyết định mọi hoạt động của SCB, những quyền lợi và những sai phạm của SCB đều liên quan trực tiếp đến Trương Mỹ Lan; cũng như lời khai khách quan của bị cáo Văn với vai trò là người làm thuê cho Trương Mỹ Lan, trực tiếp tiếp nhận sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, được Lan phân công làm việc với Đoàn thanh tra mà trực tiếp là Đỗ Thị Nhàn, đã có đủ cơ sở xác định Văn là nhân chứng, là người được Lan chỉ đạo đưa tiền hối lộ cho Nhàn từ nguồn tiền của Lan phục vụ cho mục đích phạm tội của Trương Mỹ Lan”, Viện kiểm sát khẳng định.

Sau các cuộc gặp với Trương Mỹ Lan, để giúp Trương Mỹ Lan che dấu thực trạng tài chính, cũng như sai phạm tại Ngân hàng SCB, Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015; Hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội “Đưa hối lộ”, theo quy định tại Điều 364 BLHS năm 2015.

Về quan điểm truy tố của Viện kiểm sát đối với tội danh của Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng, một lần nữa đại diện VKS khẳng định, hành vi làm trái công vụ của Đỗ Thị Nhàn là xuyên suốt trong quá trình thanh tra, là phương thức, thủ đoạn để Nhàn thức hiện thành công hành vi nhận hối lộ. Đối với Nguyễn Văn Hưng, căn cứ vai trò, vị trí, tính chất hành vi, Viện kiểm sát truy tố bị cáo Hưng và các bị cáo là thanh viên Đoàn thanh tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ và đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng tội, do đó Kiểm sát viên không nêu lại.

Đối với quan điểm của luật sư cho rằng bị cáo Nhàn không dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khi phạm tội. Trong phần luận tội, Viện kiểm sát đã đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm m, khoản 1 Điều 52 BLHS 2015, do bị cáo Đỗ Thị Nhàn là người có nghiệp vụ cao trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng; đã sử dụng các nghiệp vụ này để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm.

Về việc không xử lý Võ Tấn Hoàng Văn tội “Đưa hối lộ” và bỏ qua vai trò đồng phạm của một số đối tượng liên quan là do Võ Tấn Hoàng Văn, là người đưa hối lộ theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, nhưng đã chủ động tố giác tội phạm, khai báo, hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án. Do vậy, căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 29 và khoản 7, Điều 364 BLHS, điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Võ Tấn Hoàng Văn về tội “Đưa hối lộ” là có căn cứ, đúng pháp luật.

“Đối với Nguyễn Nam Tuấn (lái xe cho Võ Tấn Hoàng Văn) là người trực tiếp vận chuyển tiền nhưng không biết các thùng này đựng tiền, không biết nội dung thỏa thuận giữa Văn và Nhàn. Đối với một số cá nhân liên quan đến việc đổi tiền, đóng gói tiền giao tiền cho Văn và Tuấn, gồm Trần Quốc Hưng, Nguyễn Mạnh Thắng và Vũ Khánh Vân tại SCB Cầu Giấy, hiện không có tài liệu chứng cứ nào cho rằng họ biết số tiền này sử dụng để đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn; các bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn cũng không bàn bạc gì với họ về việc đưa hối lộ cho Nhàn; nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này”, đại điện Viện kiểm sát đối đáp lại ý kiến của luật sư.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Lánh - An - Phong

(theo baovephapluat.vn)

Nguồn: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/vu-an-van-thinh-phat-doan-thanh-tra-da-nhan-tien-qua-va-loi-ich-vat-chat-de-lam-trai-cong-vu-155698.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Phát hiện hành tinh cỡ Trái đất có khả năng có sự sống

Ngoại hành tinh TOI 700 e có kích thước xấp xỉ Trái đất, nằm trong vùng có thể ở được và cách chúng ta hơn 100 năm ánh sáng.

Không phải kim cương, đâu là vật liệu đắt nhất trên thế giới?

Vì khó sản xuất nên một số vật liệu có giá trị lên tới hàng triệu, hoặc thậm trí hàng tỷ USD cho mỗi gram.

Lục địa Châu Phi đang trong quá trình tách ra làm đôi, sẽ hình thành thêm một đại dương mới

Các mảng kiến tạo xung quanh châu Phi, vốn đang di chuyển dần xa nhau ra, sẽ phân tách châu lục này thành hai phần và tạo ra một đại dương mới trong hàng triệu năm nữa.