Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể miền Trung vẫn còn đó nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
TS.Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sáng 28/9, tại Đà Nẵng, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ và Học viện Chính trị Khu vực III phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Di sản văn hoá phi vật thể vùng Trung Bộ: Tiềm năng và động lực phát triển”. Thông qua Hội thảo để góp phần tìm kiếm giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể vùng Trung bộ một cách bền vững nhất.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội (KHXH) vùng Trung bộ cho rằng, Miền Trung - dải đất trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận - nơi có đủ các yếu tố rừng, biển, đồng bằng duyên hải và hải đảo; là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa độc đáo, rực rỡ và đa sắc gắn liền với sự sinh thành và phát triển của nhiều tộc người. Trong những giá trị văn hóa đó, có di sản văn hóa phi vật thể.
“Thống kê sơ bộ của ngành văn hóa các địa phương, tại khu vực này có hàng ngàn di sản văn hóa phi vật thể, với đủ các loại hình như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Đây cũng là khu vực có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt hơn, trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, ở miền Trung đã có 4 di sản gồm: Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” - TS. Trần Minh Đức thông tin.
TS. Trần Minh Đức nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa cổ truyền tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó và từ tiềm năng vốn có, với nỗ lực không ngừng của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các địa phương miền Trung đối với di sản văn hóa, thời gian qua, nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở đây không những được bảo vệ tốt mà đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản. Điều này rõ ràng còn góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là thành quả rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, TS cũng cho rằng: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể miền Trung vẫn còn đó nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thực tế cho thấy giá trị, tiềm năng của di sản văn hóa chưa được nhận diện và phát huy đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập. Vậy nên, nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thậm chí bị lãng quên.
“Từ thực tế đó, việc Viện KHXH vùng Trung Bộ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III đồng tổ chức hội thảo khoa học “Di sản văn hoá phi vật thể vùng Trung Bộ: Tiềm năng và động lực phát triển” lần này với mong muốn cùng với các nhà khoa học, các nhà quản lí trong cả nước đánh giá, thảo luận và tìm kiếm những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ một cách bền vững nhất” - Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung bộ chia sẻ.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.
Để Hội thảo đảm bảo các yêu cầu đặt ra, qua thời gian chuẩn bị hơn 3 tháng, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 54 tham luận của các tác giả là nhà khoa học, nhà quản lí và người thực hành di sản trong cả nước. Trên cơ sở của 54 tham luận, Ban tổ chức đã chia nội dung Hội thảo thành bốn chủ đề. Trong đó, chủ đề 1: Đánh giá thực trạng và nhận diện các giá trị văn hóa phi vật thể các tỉnh miền Trung” (28 tham luận); chủ đề 2: Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phí vật thể các tỉnh miền Trung (11 tham luận); chủ đề 3: Định hướng và giải pháp khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể các tỉnh miền Trung gắn với sinh kế của người dân, cộng đồng (8 tham luận); chủ đề 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể miền Trung từ góc nhìn của nhà quản lí (5 tham luận).
Tại Hội thảo, nhiều tham luận có giá trị đã được trao đổi, thảo luận, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu như: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể vùng Trung bộ nhìn từ thực tiễn TP Đà Nẵng” của ThS. Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng; “Bài Chòi vùng Nam Trung bộ: câu chuyện di sản và động thái kiến tạo diễn xướng Bài Chòi trong xã hội đương đại” của TS. Nguyễn Thị Thanh Xuyên - Viện KHXH Trung bộ; “Nhận diện và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể góp phần phát triển kinh tế vùng Trung bộ” của ThS. Vũ Đình An - Học viện Chính trị khu vực III; “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Hrê (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi)” của ThS. Võ Minh Tuấn - Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi; “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể từ thực tiễn tỉnh Quảng Bình” của ông Trần Quốc Hội - Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Quảng Bình…./.
Tin, ảnh: Đình Tăng
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-vung-trung-bo-648052.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024