"Say Xẩm" - Lan tỏa văn hóa truyền thống 36 phố phường.
Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc và làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Tối 15 - 6, tại không gian Cafe Phố Hàng đã diễn ra chương trình “Say Xẩm” do nhóm sinh viên ngành Quản lý giải trí và Sự kiện, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Không gian Cafe Phố Hàng nơi tổ chức chương trình.
Với mong muốn gìn giữ và tôn vinh nghệ thuật xẩm truyền thống, chương trình "Say Xẩm" đã mang đến nhiều trải nghiệm khác nhau về xẩm, từ triển lãm nhạc cụ và trang phục biểu diễn, xem phim cổ về xẩm, tham gia các trò chơi dân gian liên quan, đến cơ hội được hướng dẫn biểu diễn xẩm bởi các nghệ sĩ.
Thông qua "Say xẩm", khán giả sẽ được khám phá và trải nghiệm lại không gian văn hóa độc đáo của Hà Nội xưa, khi tiếng xẩm vẫn gắn kết với nhịp sống của tàu điện và người dân thành phố.
Khách mời tham dự chương trình xem phim cổ về Xẩm.
Hát xẩm là một dòng dân ca truyền thống của Việt Nam, phát triển mạnh tại đồng bằng Bắc Bộ và trung du miền núi phía Bắc. Xẩm ban đầu là hình thức mưu sinh của những người dân nghèo khổ, đặc biệt là người khiếm thị, biểu diễn tại các chợ, đường phố, và nơi đông người qua lại, còn được gọi là hát rong, hát dạo của người nghèo, người mù.
Không gian trưng bày nhạc cụ và trang phục biểu diễn Xẩm.
Nội dung các bài Xẩm thường phản ánh hiện thực xã hội qua từng thời kỳ cụ thể. Nghệ thuật hát Xẩm yêu cầu cao về biểu đạt cảm xúc và thành thạo chơi nhạc cụ. Nội dung và ca từ trong hát Xẩm thường là hình thức hát nói, vừa hát vừa kể chuyện mang tính tự sự và lời văn, phản ánh tâm tư và suy nghĩ của người dân trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ.
Khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng NSND Xuân Hoạch.
Xẩm tàu điện, còn có tên gọi khác là Xẩm Bờ Hồ xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên các chuyến tàu điện của Hà Nội lúc bấy giờ. Từ trạm Bờ Hồ, tàu điện tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng nối nông thôn với nội thành. Những chuyến tàu điện do Pháp mở có số lượng khách đông đúc, thường xuyên, đã tạo nên “sân khấu” lý tưởng cho Xẩm tàu điện ra đời.
Mặc dù có nhiều thể loại xẩm khác nhau, nhưng nghệ thuật xẩm tàu điện chỉ xuất hiện ở Hà Nội. Nó gắn liền với nhịp sống của tàu điện và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội. Trong những năm tháng đó, tiếng xẩm không chỉ là âm nhạc mà còn là phương thức giao tiếp mới, tạo ra những câu chuyện và tiếng cười cho hành khách trên các chuyến tàu.
Các bạn trẻ hào hứng tham gia trò chơi dân gian.
Với sân khấu chính là các toa tàu nên khi biểu diễn Xẩm, các nghệ nhân đã rất khéo léo “nương” theo hoàn cảnh, chọn nhạc cụ gọn nhẹ và điều chỉnh âm lượng, cường độ của giọng hát, tiếng đàn sao cho phù hợp, giúp hành khách thư giãn giữa tiếng tàu chạy. Mỗi bài Xẩm có cấu trúc, độ dài vừa vặn với lịch trình đón, trả khách của tàu điện, để không một hành khách nào phải nghe dang dở một bài Xẩm. Bên cạnh đó, Xẩm tàu điện còn có các bài quảng cáo bán hàng như: tăm tre, thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là… phục vụ người buôn bán.
Chương trình còn mang đến những câu chuyện, góc nhìn xưa và nay của người thực hành xẩm, từ NSND Xuân Hoạch đến những nghệ sĩ trẻ như Ngô Văn Hảo, Đinh Thảo, Phạm Trình...
NSND Xuân Hoạch cùng các nghệ sĩ trẻ biểu diễn, giao lưu và chia sẻ những câu chuyện về Xẩm.
Sau một thời gian dài đồng hành cùng người dân Hà Nội, hình ảnh và lời ca về xẩm tàu điện đã dần biến mất khi không còn những sân khấu biểu diễn quen thuộc. Tuy nhiên, những âm thanh đó vẫn mãi là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa Hà Nội, gói gọn những dấu ấn lịch sử và tâm hồn người dân nơi đây.
Video NSND Xuân Hoạch giao lưu cùng khán giả và khách mời:
Lê Trung.
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024