Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện 3 CTMTQG kịp thời và hiệu quả hơn
Qua thực tiễn các địa phương phản ánh, số lượng văn bản triển khai thực các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) quá nhiều, một số văn bản ban hành còn chậm, nhiều hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc, khó thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện CTMTQG.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Ban hành văn bản chậm, chồng chéo làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các CTMTQG
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) ghi nhận thời gian qua việc thực hiện các CTMTQG đã kế thừa hiệu quả các kết quả của các giai đoạn trước. Đồng thời, nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao quyết liệt, đồng bộ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương nên việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trong gần 3 năm qua đã có những đóng góp quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế trong phối hợp trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề xuất của Chính phủ và để các CTMTQG thực sự là chương trình tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp toàn diện hơn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các CTMTQG; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: QH.
Đồng thời, đề nghị lãnh đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình để các địa phương nghiên cứu, áp dụng đồng bộ. Cần tập trung đầu tư đến công tác theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận kết quả thực hiện các tiêu chí các dự án, tiểu dự án của chương trình.
Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) nhận định, mặc dù số lượng văn bản quản lý đến nay cơ bản hoàn thành tuy nhiên qua thực tiễn các địa phương phản ánh, số lượng văn bản quá nhiều, một số văn bản của trung ương và địa phương ban hành còn chậm, nhiều hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc, khó thực hiện.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện CTMTQG. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện 3 CTMTQG kịp thời và hiệu quả hơn.
Về việc phân bổ nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, việc lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn do vốn ngân sách trung ương chậm, phân bổ chưa sát với tình hình, nhu cầu thực tế của một số địa phương. Việc giao vốn sự nghiệp còn nhiều bất cập và chưa có sự thống nhất giữa 3 Chương trình và việc giao chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án về nội dung, thành phần tùy theo quy định nhưng lại rất khó triển khai cơ chế chuyển nguồn. Tiến độ giải ngân ngân sách trung ương còn rất thấp và khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương của các CTMTQG mục tiêu đến năm 2025 còn rất khó khăn.
Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành được phân công làm chủ Chương trình sớm có giải pháp ban hành kế hoạch vốn để phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương cho các địa phương để triển khai thực hiện kịp thời. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn xác định danh sách các thôn có dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, và dân tộc có khó khăn đặc thù thuộc, là đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 9 của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) để địa phương triển khai thuận lợi hơn.
Theo đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai), văn bản pháp luật và hành lang pháp lý để đưa chính sách đến người dân cũng như là cơ sở để người thực thi triển khai tốt hơn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn thời gian qua còn chung chung, chưa cụ thể, một số hướng dẫn thiếu đồng bộ so với những quy định hiện hành và điều luật chưa phù hợp điều kiện triển khai của địa phương, còn sự chồng chéo, chưa thống nhất giữa các văn bản đã làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện các CTMTQG. Do vậy, đại biểu kiến ghị cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện các CTMTQG trong những năm tới để thực hiện đạt kết quả cao hơn.
Về tính khả thi của việc thực hiện, đại biểu Siu Hương nhận thấy, quá trình vào cuộc thực hiện các Chương trình tại địa phương còn nhiều bất cập; Hệ thống các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình vẫn đang tiếp tục kiện toàn… Do đó, Đoàn giám sát cho rằng chưa đủ cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra vào cuối năm 2025 là giải ngân hết các nguồn vốn. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc thực hiện các Chương trình cần phải nhận định dựa trên cơ sở để dự báo việc thực hiện các Chương trình được tốt hơn. Đồng thời cần có cách tiếp cận phù hợp hơn trong thực hiện.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã đánh giá khách quan, toàn diện quá trình triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình giám sát đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH
Qua thực tiễn triển khai, Bộ trưởng cho biết việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Tuy nhiên, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn hơn, nhưng cả ba chương trình này đang phải ban hành quá nhiều văn bản, dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì thực hiện quy định của pháp luật.
Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ. Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều; cùng với đó việc giao vốn chậm, nhỏ giọt….
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù, nhưng theo Bộ trưởng, trước mắt trong Nghị quyết về giám sát, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn một hai huyện làm thí điểm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham gia giải trình. Ảnh: QH
Trước một số tồn tại hạn chế đã được chỉ ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, đối với vấn đề như hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cùng với đó sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có những chỉ tiêu cần phải xem xét lại trong thời gian tới, để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương, bởi nguồn lực Nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng.
Bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp. Về mô hình chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn…/.
Vy Anh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/can-som-ban-hanh-cac-van-ban-huong-dan-viec-thuc-hien-3-ctmtqg-kip-thoi-va-hieu-qua-hon-650740.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Miền Trung mưa lớn kéo dài, miền Bắc ngày nắng
- Bắc Bộ ban ngày nắng hanh, đêm và sáng sớm trời rét, Nam Bộ nắng nóng
- Miền Bắc giảm nhiệt, Trung - Nam Bộ mưa lớn
- Bắc Bộ một số nơi trời chuyển lạnh, Nam Bộ nắng nóng
- Siêu bão Man-yi giật trên cấp 17, tiến gần Biển Đông
- Hành động mạnh mẽ và kịp thời, hướng đến “bầu trời xanh, không khí sạch”
- Bão Usagi giật cấp 11