ĐBSCL tranh thủ lấy nước phục vụ sản xuất và kiểm soát hạn mặn
Dự báo trong tuần tới, tại Đồng bằng sông Cửu Long, mặn có xu thế tăng nhẹ đến cuối tuần, ranh mặn 4g/l sâu nhất trên các cửa sông Cửu Long trên dưới 30-35 km. Vì vậy, cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, tranh thủ lấy nước phục vụ sản xuất Hè Thu và giám sát chặt chẽ chất lượng nước trước khi lấy.
Cống Cái Bé (Kiên Giang) đưa vào vận hành phòng chống hạn mặn hiệu quả 3 năm vừa qua - Ảnh: VGP/LS
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ ngày 8/5, ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy nông và cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết, dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2024 và 2025 thuộc nhóm năm có tần suất xuất hiện vào khoảng 60-75%, xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình.
Thực tế xả nước ở các thủy điện trên lưu vực nói chung từ tháng 3/2025 đến nay làm gia tăng lưu lượng xuống hạ lưu và làm xâm nhập mặn bớt căng thẳng. Xâm nhập mặn nằm trong phạm vi bảo vệ của các hệ thống thủy lợi, tích trữ nước sẽ bảo đảm nguồn nước cho sản xuất đủ diện tích theo kế hoạch hằng năm của các địa phương.
Trong khi đó, diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2025 đã đạt hơn 887.000 ha, khoảng 60% diện tích so với kế hoạch, tập trung chủ yếu ở các vùng ngọt.
Để bảo đảm an toàn cho sản xuất, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến nghị, vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang, Cần Thơ) cần thực hiện các biện pháp tích trữ nước và tưới nước tiết kiệm.
Vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, một phần của Long An, Cần Thơ, Kiên Giang) cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước mỗi khi có thể, khi lấy ngọt hoặc tưới nước cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.
Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (gồm một phần Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang), xâm nhập mặn bất thường có thể ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển, như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh.
Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước bảo đảm cho vùng cây ăn quả thuộc các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre, huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng.
Dự báo trong tuần tới, mặn có xu thế tăng nhẹ đến cuối tuần, ranh mặn 4g/l sâu nhất trên các cửa sông Cửu Long trên dưới 30-35 km. Vì vậy, cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, tranh thủ lấy nước phục vụ sản xuất Hè Thu và giám sát chặt chẽ chất lượng nước trước khi lấy.
Trong khi đó, từ ngày 1-7/5/2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện mưa trái mùa từ 20-50 mm, có nơi hơn 100 mm. Dự báo tuần tới sẽ tiếp tục có mưa trên diện rộng với vũ lượng từ 30-50 mm tại nhiều nơi trong khu vực.
Lê Sơn
(theo baochinhphu.vn)
Nguồn: https://baochinhphu.vn/dbscl-tranh-thu-lay-nuoc-phuc-vu-san-xuat-va-kiem-soat-han-man-102250507181312609.htm
Bài viết cùng chuyên mục
- Hợp lực xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn
- 'Gạo Việt Nam xanh phát thải thấp': Bước tiến mới cho ngành lúa gạo
- Kỳ vọng phát triển nông sản chủ lực từ chương trình OCOP
- Xây dựng chuỗi sản xuất cà phê bền vững
- Xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng ĐBSCL
- Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Thay đổi tư duy và phương thức canh tác bền vững
- Các hồ thủy điện đã điều tiết 3,269 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy