Nghệ sĩ các nước ASEAN hòa nhạc “Tình hữu nghị xuyên biên giới”
Buổi hòa nhạc dân tộc "Tình hữu nghị xuyên biên giới" với sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc độc đáo và sâu sắc, đồng thời, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Tối 15/10, buổi hòa nhạc dân tộc "Tình hữu nghị xuyên biên giới" năm 2023 đã diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Khởi hành từ năm 2015 tại Thái Lan, hành trình của dàn nhạc đã đi qua các nước Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia. Điểm đến năm nay của dàn nhạc là Việt Nam. Dự án này trở thành một sân chơi để thế hệ trẻ chia sẻ, học hỏi, phát triển và gìn giữ âm nhạc truyền thống ASEAN.
PGS. TS.Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam phát biểu tại buổi hòa nhạc.
Tại buổi hòa nhạc, PGS. TS.Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống của ASEAN gồm 10 nghệ sĩ biểu diễn các nhạc cụ truyền thống từ 10 nước ASEAN đã trải qua một hành trình thú vị, giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa khu vực đến nhiều nơi trên thế giới.
PGS. TS.Lê Anh Tuấn cho rằng, buổi hòa nhạc ngày hôm nay không chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật đơn thuần, các phần trình bày còn ẩn chứa những thông điệp về tình hữu nghị, sự đoàn kết giữa các nước. Buổi hòa nhạc cũng mong muốn thể hiện sự trân trọng đối với âm nhạc truyền thống nói chung; đề cao, giới thiệu và gìn giữ âm nhạc truyền thống là một việc làm hết sức cần thiết, đảm bảo rằng những thế hệ sau tiếp tục có cơ hội thưởng thức nét đẹp này.
“Tôi rất trân trọng ý tưởng của Dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống của ASEAN, nhằm phát hiện, đào tạo và phát triển những tài năng âm nhạc trẻ từ nhiều nước trong khu vực, ươm mầm cho những tài năng tương lai” - PGS. TS.Lê Anh Tuấn khẳng định.
Các nghệ sĩ tham gia buổi hòa nhạc.
Tại chương trình hòa nhạc, khán giả đã được thưởng thức 12 bản nhạc mang giai điệu truyền thống đặc sắc, đa dạng, do các tài năng trẻ đại diện cho các quốc gia ASEAN thể hiện. Mở đầu chương trình hòa nhạc là bản nhạc với dàn hợp xướng trong bài hát “The ASEAN Way” (Sáng tác: Kittikhun Sodprasert and Sampow Triudom, Lời: Payom Valaiphatchra, Hòa âm phối khí: Watchara Pluemyart). Đây là ca khúc chính thức của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.
Tiếp sau đó, khán giả đã được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc truyền thống đặc sắc của các nước thành viên ASEAN: Brunei, Singapore, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Malaysia.
Đại diện của Việt Nam tham dự chương trình với một sắc mầu rất riêng, được thể hiện qua màn trình diễn của nghệ sĩ Lê Thùy Linh. Bên cây đàn bầu truyền thống của Việt Nam, nghệ sĩ Lê Thùy Linh thể hiện hai tác phẩm “Nhịp cầu quê hương” và “Trông cơm”. Đây là những bài hát tôn vinh quê hương và vẻ đẹp cảnh sắc của miền Nam Việt Nam.
Dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống của ASEAN "Tình hữu nghị xuyên biên giới" đã mang lại những trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời và góp phần vào sự phát triển và đoàn kết của khu vực ASEAN. Bởi các nước Asean đang hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất, là mục tiêu cao cả mà Chính phủ, nhân dân các nước ASEAN đã và đang hướng đến./.
Tin, ảnh: Huy Lê
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nghe-si-cac-nuoc-asean-hoa-nhac-tinh-huu-nghi-xuyen-bien-gioi-649470.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024