Menu

Người dân Gò Công Đông gồng mình chống hạn, mặn

16/04/2024 09:31:46

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường từ trung tâm huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về các xã Phước Trung, Tăng Hoà... không khó gặp cảnh người dân mang can nhựa xếp hàng chờ lấy nước ngọt tại các vòi công cộng. Tình trạng thiếu nước ngọt cũng khiến cho vùng trồng sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Bất kể đêm muộn hay sáng sớm luôn có người đến lấy nước tại vòi nước công cộng trên địa bàn.

Thiếu nước ngọt trầm trọng

Tại một vòi nước công cộng của địa bàn xã Phước Trung, chỉ khoảng 15 phút, đã có hàng chục người đến xếp hàng chờ lấy nước. Theo người dân địa phương, hạn mặn kéo dài, nước tích trữ đã sử dụng hết nên việc thiếu nước rất trầm trọng, bất kể đêm muộn hay sáng sớm luôn có người đến lấy nước.

Ông Trịnh Minh Quốc (ngụ xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) chở 10 can nhựa đến vòi nước công cộng chờ hứng nước mang về. Ông Quốc chỉ dòng kênh ngay cạnh đường và cho biết hiện các kênh, ao nước ngọt đều khô cạn nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống nước máy không đủ cung cấp sinh hoạt cho gia đình, vòi nước chỉ chảy nhỏ giọt, tình trạng này kéo dài gần 10 ngày nay. “Mỗi ngày 2 - 3 lượt, tôi mang can nhựa lấy khoảng 300 lít nước về cho cả gia đình sinh hoạt. Bà con ở đây chỉ biết trông chờ vào vòi nước công cộng này thôi”, ông Quốc nói.

Dưới nắng trưa gay gắt, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ ấp Ngãi Trí, xã Phước Trung) cùng chồng chở 10 can nhựa (loại 30 lít) đến điểm chờ lấy nước ngọt. Bà Lan chia sẻ: “Nước ngọt ở đây giờ khan hiếm lắm, nước dưới kênh giờ không còn giọt nào, nước máy cơ bản 2 tuần nay cũng không có. Ngoài nước ngọt cho sinh hoạt cả nhà, còn phải lấy thêm nước cho bò, dê uống, vất vả lắm, chỉ chờ vòi nước công cộng”.

Ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, từ cuối tháng 2/2024 tới nay, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên hệ thống cống ngăn mặn đều phải đóng. Nước trong các kênh rạch nội đồng không còn nguồn cung, trong khi diện tích cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn huyện cần lượng nước ngọt rất lớn. Thêm nắng nóng kéo dài khiến nước ngọt bốc hơi nhanh, do đó nước các kênh rạch xuống nhanh, nay gần như trơ đáy. Địa phương đã bố trí 64 vòi nước công cộng tại các xã để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Nắng nóng kéo dài khiến nước ngọt bốc hơi nhanh, do đó nước các kênh rạch

trên địa bàn xuống nhanh, gần như trơ đáy.

Trước thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, UBND tỉnh Tiền Giang vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ động giải pháp cung ứng nước ngọt ưu tiên cho sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất của người dân trên địa bàn huyện. Với việc công bố tình huống khẩn cấp trên, người dân tại huyện Tân Phú Đông sẽ được cấp nước ngọt qua các sà lan chở nước từ thượng nguồn không nhiễm mặn về.

Chuyển đổi cây trồng vẫn “dính” hạn

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) những năm gần đây đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu để thích ứng với thiếu nước ngọt mùa khô. Vùng đất gần biển các xã Phú Thạnh, Phú Đông… của huyện Tân Phú Đông trước đây cũng trồng lúa, giờ thành vùng chuyên canh cây sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Mùa khô năm nay, do hạn hán và xâm nhập mặn, vùng chuyên canh sả lớn nhất Tiền Giang đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, tình trạng cây sả chết khô đang lan rộng.

Với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, cây sả đã giúp nông dân nơi đây cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nông thôn đổi mới từng ngày. Thành quả đó cũng nhờ các năm trước mùa khô không quá gay gắt, sả vẫn đủ nước tưới.

Còn mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn, vùng chuyên canh sả lớn nhất Tiền Giang đang thiếu nước tưới nghiêm trọng. Khu vực nằm ngoài vùng ngọt hóa của huyện Tân Phú Đông, tình trạng cây sả chết khô đang lan rộng.

Cánh đồng sả của huyện Tân Phú Đông ngút tầm mắt (hơn 800ha), xen lẫn màu xanh là những khoảnh sả xám lá do nhiều ngày không còn nước ngọt để tưới, một số đám gần như chết khô, đổ rạp.

Nắng nóng đang từng ngày đốt lá sả chuyển từ xanh sang xám trông như đồng lau giữa mùa gió hanh miền Bắc. Những mương nước nội đồng giờ chỉ như đường hào sâu, không một giọt nước lưu lại, cỏ quanh bờ cũng khô cong, rũ rượi.

Gia đình bà Huỳnh Thị Minh Nhật (xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông) có 3.000m2 trồng sả. Chỉ cánh đồng sả gần như đã chết khô, bà xót xa số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng của vụ sả năm nay xem như mất trắng.

“Nước kênh không còn, nước máy chỉ dùng cho sinh hoạt. Một khối nước máy giá 10.000 đồng, nếu dùng tưới sả sao chịu nổi, đành bó tay chờ trời”, bà Nhật tính toán giữa các phương án gần như không có lựa chọn.

Trước tình trạng nước sinh hoạt không đủ dùng, người dân chấp nhận nhìn cây sả chết dần. 

Còn đồng sả của ông Phan Minh Hoàng (cùng xã Phú Đông) rộng 3ha, nằm trong vùng ngọt hóa (trong đê), nước tưới từ kênh nội đồng. Hơn tháng nay do mặn xâm nhập, các cửa cống đóng hết, không còn nước tưới, sả héo.

Bà Huỳnh Thị Yến Phượng (vợ ông Hoàng) tính toán, so với trồng lúa, thu nhập từ cây sả cao gấp 3 lần, sau vài năm chuyển đổi gia đình có của ăn của để, cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Mô hình trồng sả giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo địa phương.

Tuy nhiên, mùa sả năm nay nắng nóng kéo dài, khiến sả khô héo giảm năng suất, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nơi đây. “Mấy tháng nay, nhất là sang tháng Giêng, thiếu nước trầm trọng nên sả cũng khô héo, tôi đành bỏ ruộng đi làm thuê, chờ mưa xuống trồng lại”, bà Bùi Thị Bon (xã Phú Đông) nói.

Ông Lê Thành Thạnh Tiến, Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, đến nay, toàn huyện đã xuống giống được 886ha sả (trên tổng số 3.900ha diện tích kế hoạch năm 2024).

“Chúng tôi thường xuyên quan trắc độ mặn trên sông, kênh, rạch nội đồng để chủ động bơm nước tưới vào trữ ở hệ thống kênh mương nội đồng, phục vụ bà con chăm sóc sả. Tuy nhiên, hiện nước sông đã bị mặn xâm nhập, không thể bơm tưới cho đồng sả”, ông Tiến nói.

TS Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp vùng đồng bằng) cho biết,  kỳ hạn, mặn năm 2016 là lịch sử 5 năm mới có một lần, nhưng từ đó tới nay trong 10 năm thì lại xảy ra 3 trận hạn mặn. Điều này cho thấy nhịp độ hạn mặn có tính chu kỳ, nhanh hơn. Vì vậy, đặt ra cho chúng ta yêu cầu thích ứng.

Từ đó, giải pháp cần tập trung “3 cần - 4 có”. "3 cần" là: cần có dự báo sớm, ngoài các kênh thông tin, mạng xã hội để tiếp cận đến mọi người dân; chủ động thích ứng và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt; xem hạn hạn xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và có thể có đề xuất để xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương.

"4 có" là: công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống thì cần giải pháp công trình, nhưng phải đặt ra yêu cầu nguyên tắc "không hối tiếc"; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội Sông Mekong…/.

Bài, ảnh: Nhật Huy

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nguoi-dan-go-cong-dong-gong-minh-chong-han-man-663125.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.