Nhật Bản "bùng nổ" khai thác rác thải điện tử trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh
Trong bối cảnh giá vàng tăng cao, nỗ lực khai thác kim loại quý từ bảng mạch điện tử đã qua sử dụng và rác thải điện tử đang trở thành xu hướng “bùng nổ” tại Nhật Bản.
Vàng và các kim loại quý được tái chế từ rác thải điện tử (Ảnh: Nikkei Asia).
Nhật Bản là quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nhưng được coi là một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho “khai thác tài nguyên đô thị” - khái niệm để chỉ hành động tái chế, khai thác các kim loại quý như vàng từ các thiết bị điện tử bị loại bỏ. Một nhà máy tái chế phế liệu thuộc công ty vàng Tanaka Kikinzoku ở thành phố Hiratsuka, gần Yokohama, nhận được rất nhiều bảng mạch điện tử và đồ trang sức bị bỏ đi mỗi ngày. Phế liệu được nấu chảy để lấy vàng và các kim loại có thể sử dụng trong xe điện, sau đó được tạo hình thành “thỏi” hoặc các dạng khác. Trung bình mỗi năm, cơ sở này thu hồi khoảng 3.000 tấn phế liệu. Akio Nagaoka, người đứng đầu cơ sở cho biết: “Chúng tôi muốn mở rộng việc thu gom rác thải không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi nhu cầu tái chế đồ điện tử dự kiến sẽ tăng lên”.
Khi giá tăng, nhu cầu tái chế kim loại cũng tăng theo. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng khoảng 3% về nguồn cung từ sản xuất mỏ.
Vàng tái chế hiện chiếm gần 30% nguồn cung toàn cầu. Theo WGC, chỉ có khoảng hơn 200.000 tấn vàng đã được khai thác trong suốt lịch sử. Với sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, việc thu hồi vàng từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cũ và các phế liệu khác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Một số doanh nghiệp đang mở rộng năng lực thu gom và xử lý chất thải như vậy nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Mitsubishi Materials đặt mục tiêu có thể xử lý 240.000 tấn phế liệu mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, so với khoảng 160.000 tấn hiện nay.
Viện Định hướng bền vững của Nhật Bản ước tính có khoảng 5.300 tấn vàng tích lũy ở Nhật Bản - tương đương khoảng 10% trữ lượng toàn cầu. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, việc xử lý 1 tấn hoặc 10.000 chiếc điện thoại di động sẽ thu được khoảng 280 gram vàng, giúp quá trình này hiệu quả hơn 56 lần về mặt trọng lượng so với khai thác vàng mới.
Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút thúc đẩy việc tái chế không chỉ vàng mà còn cả các kim loại quan trọng khác, chẳng hạn như kim loại được sử dụng trong xe điện để tăng cường an ninh kinh tế./.
TTXVN
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/nhat-ban-bung-no-khai-thac-rac-thai-dien-tu-trong-boi-canh-gia-vang-tang-manh-652026.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Giá dầu thế giới giảm mạnh
- Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
- Chuyên gia Nga: Iskander có khả năng vô hiệu hóa căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan
- G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
- Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm
- Nam Phi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi lũ lụt
- ADB cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29