Tái hiện ký ức “Thành xưa - Phố cũ” Hà Nội
Hà Nội đã trải qua quá trình biến đổi mạnh mẽ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi người Pháp chiếm và quy hoạch, xây dựng lại Hà Nội. Tòa thành cũ mất đi, để lại nhiều nuối tiếc. Nhưng những con phố mới ra đời và định hình nét đẹp kiến trúc Hà Nội cho đến tận hôm nay.
Cắt băng khai mạc triển lãm "Thành xưa - Phố cũ".
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), sáng 6/10, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp tổ chức triển lãm “Thành xưa - Phố cũ”.
Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đánh dấu những bước thay đổi quan trọng của Hà Nội dưới sự tác động của người Pháp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch, xây dựng.
Sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã nhanh chóng thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu với việc chọn hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này.
Tại đây người Pháp đã cho xây dựng các cơ quan hành chính đầu não của bộ máy chính quyền thực dân các cấp như: Tòa thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội, Nhà băng Đông Dương, Sở Bưu điện Hà Nội trên các tuyến phố gần khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Cùng với kế hoạch phá hủy thành Hà Nội, người Pháp đã từng bước xây dựng một trung tâm chính trị lớn mang tính biểu tượng của chính quyền thực dân trên toàn cõi Đông Dương tại khu vực phía tây thành Hà Nội.
Những tuyến phố mới theo kiểu châu Âu đã được mở, như: phố Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu), Đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), Đại lộ Républicque (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brière de l’Isle (nay là phố Hùng Vương), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ), đại lộ Giovaninelli (nay là phố Lê Hồng Phong)…
Trên khu vực này, người Pháp đã cho xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương (1901-1905), Sở Tài chính Đông Dương (1925-1928), Trường Albert Sarraut (1915)...
Các đại biểu thăm quan triển lãm.
Hoàng thành Thăng Long – thành Hà Nội chỉ còn giữ được một số công trình như: Kỳ đài, Đoan Môn, thành bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc…
Với việc quy hoạch, cải tạo lại thành phố, người Pháp đã biến một đô thị truyền thống kiểu Á Đông thành một đô thị mới có nét giao hòa với những không gian mới, kiến trúc mới kiểu phương Tây. Những khu phố mới, những trung tâm chính trị, hành chính mới được xây dựng lên. Người Pháp cũng đã dần mở rộng thành phố về phía tây và phía nam.
Triển lãm “Thành xưa - Phố cũ” giới thiệu khoảng 150 tài liệu, hình ảnh, gồm 2 chủ đề: Thành bên phố và Phố phường Hà Nội - Giao lộ Đông Tây.
Những chủ đề này cho thấy sự thay đổi sâu sắc của Hà Nội. Đồng thời, công chúng có dịp tìm lại nét đẹp xưa của nhiều công trình kiến trúc lịch sử cách đây khoảng 100 năm vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I trong việc lưu trữ, tìm tòi tài liệu và đem đến công chúng những tư liệu quý về Hà Nội những năm đầu thời kỳ Pháp thuộc. Qua đó, giúp mọi người thêm hiểu, thêm yêu nét đẹp của thành phố.
Tin, ảnh: N.Phương
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tai-hien-ky-uc-thanh-xua-pho-cu-ha-noi-648721.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024