Tại sao bão không bao giờ hình thành ở xích đạo?
Đây là lý do tại sao bão không hình thành ở đường xích đạo và tại sao chúng hiếm khi đi qua ranh giới của Bắc bán cầu và Nam bán cầu.
Những cơn gió dữ dội của bão được gọi là xoáy thuận nhiệt đới ở một số nơi trên thế giới. Vì vậy bạn có thể cho rằng chúng sẽ quét qua toàn bộ vùng nhiệt đới. Nhưng có một khu vực của vùng nhiệt đới mà bão hầu như không bao giờ hình thành: đường xích đạo.
Các bản đồ ghi lại lịch sử các vị trí của các cơn bão nhiệt đới (còn được gọi là bão và cuồng phong, tùy thuộc vào vị trí) cho thấy " chúng rất hiếm khi hình thành ở phạm vi cách vài độ so với đường xích đạo," Gary Barnes, một nhà khí tượng học hiện đã nghỉ hưu tại Đại học Hawaii, cho biết. (Một vĩ độ bao gồm khoảng 69 dặm, hay 111 km.)
Nhưng tại sao không có bão hình thành ở xích đạo? Về cơ bản, những cơn gió xoáy mạnh của bão là kết quả của sự bảo toàn momen động lượng truyền đạt bởi sự tự quay của Trái Đất Tại đường xích đạo, ngay cả khi không khí ổn định, Trái Đất và bầu khí quyển bên trên nó thực sự đang di chuyển với tốc độ hơn 1.000 dặm/giờ (1.600 km/giờ). Chuyển động này theo hướng quay của Trái đất, từ tây sang đông.
Một cơn bão nhiệt đới khi nhìn từ trên trạm vũ trụ ISS. Ảnh: NASA
Chu vi Trái đất lớn nhất ở xích đạo. Điều này có nghĩa, bất cứ thứ gì đứng trên đường xích đạo đều di chuyển nhanh hơn, với khoảng cách lớn hơn về phía Đông, so với bất cứ thứ gì nằm cách xa đường xích đạo - như ở phía Bắc hoặc phía Nam trên bề mặt Trái đất, trong cùng một khoảng thời gian.
Nếu không khí di chuyển về phía Bắc từ đường xích đạo, nó vẫn sẽ di chuyển nhanh về phía Đông so với môi trường xung quanh. Điều này có nghĩa, không khí từ đường xích đạo khi di chuyển về phía Bắc sẽ rẽ phải. Ngược lại, không khí từ đường xích đạo khi di chuyển về phía Nam sẽ đi lệch trái.
Hiện tượng này, được gọi là hiệu ứng Coriolis, giúp kiểm soát hướng xoáy của các cơn bão nhiệt đới. Ở Bắc bán cầu, không khí xoáy sang phải sẽ tạo ra chuyển động quay ngược chiều kim đồng hồ và điều ngược lại sẽ xảy ra ở Nam bán cầu.
Các cơn bão quay do chuyển động của môi trường xung quanh. Sự chuyển hướng của gió đương nhiên sẽ rất yếu ở gần xích đạo, nhưng lại tăng lên ở vĩ độ cao.
Đây chính là lý do vì sao xoáy thuận nhiệt đới hiếm khi hình thành gần đường xích đạo. Ở vĩ độ cao (xa xích đạo), không khí chuyển động nhanh hơn, gió mạnh hơn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xoáy thuận nhiệt đới.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ kỳ lạ, đơn cử như con bão nhiệt đới Vamei xuất hiện vào năm 2001 ở Biển Đông. Theo đó, cơn bão này tăng cấp trong vòng 2 độ từ đường xích đạo, trong khi hoàn lưu của nó thì thực sự hình thành sớm hơn và cách xa đường xích đạo. Các nhà khoa học cho rằng những cơn gió tương tác với địa hình của quần đảo Indonesia đã tạo ra vòng xoáy của bão Vamei.
Nếu một cơn bão nhiệt đới đi qua đường xích đạo, nó sẽ bắt đầu hút không khí quay theo hướng ngược lại, vô hình trung có thể khiến cơn bão suy yếu và tan rã. Tuy nhiên, một cơn bão cũng có thể đi qua đường xích đạo ở khoảng cách nhỏ, vì vòng quay nghịch vẫn khá nhỏ khi ở vị trí đường xích đạo. Tuy nhiên, một cơn bão cũng không thể vượt xa quá vài độ sang phía bên kia bán cầu.
Tham khảo Live Science
Anh Việt
(theo ttvn.toquoc.vn)