Menu

Thế giới tuần qua: Kết nối, đổi mới để kiến tạo tương lai bền vững

20/11/2023 10:14:51

Tuần qua (13-19/11), bên cạnh tình hình chiến sự tại Gaza, tâm điểm chú ý của dư luận tiếp tục hướng tới là Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 diễn ra tại San Francisco, Mỹ từ 11 - 17/11/2023.

APEC 2023: Tuyên bố Cổng Vàng hướng đến một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người

Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Ngày 17/11 theo giờ Mỹ, Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã kết thúc tại San Francisco (Mỹ) với việc thông qua Tuyên bố Cổng Vàng về xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta phải khai thác tiến bộ công nghệ và kinh tế để tiếp tục giải phóng tiềm năng và sự năng động to lớn trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết mọi thách thức môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu”.

Tuyên bố được thông qua sau cuộc họp kéo dài hai ngày, trong đó các nhà lãnh đạo tập trung vào các chủ đề về tính bền vững, khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kết nối và xây dựng nền kinh tế toàn diện và kiên cường. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán. Bên cạnh đó, hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực APEC. Các nền kinh tế APEC cũng cam kết tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ việc tham gia vào các cam kết khu vực toàn diện và có chất lượng cao.

Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo là trọng tâm của Tuần lễ Cấp cao APEC, được tổ chức tại San Francisco từ ngày 11 - 17/11 với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”.

Trong khuôn khổ tuần lễ APEC, cùng ngày 17/11, các Bộ trưởng thương mại và ngoại giao APEC đã cam kết ủng hộ cải cách WTO, bao gồm cải tổ chức năng giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Trong một tuyên bố sau hội nghị, các Bộ trưởng nêu rõ để đảm bảo “vai trò quan trọng” của WTO, "chúng tôi ủng hộ cải cách tổ chức này để cải thiện tất cả các chức năng của WTO, để các thành viên có thể thực hiện tốt hơn các mục tiêu nền tảng của tổ chức và giải quyết các thách thức thương mại toàn cầu hiện nay và đang nổi lên”. 

Trong tuần lễ APEC, các đại biểu đã tham gia các cuộc họp cấp cao và các sự kiện bên lề với các bên liên quan chủ chốt về nhiều chủ đề, bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; khoa học, nghiên cứu và đổi mới; công nghệ quan trọng và mới nổi; năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao; trao quyền kinh tế cho phụ nữ; và tính bao gồm.

Trong lễ bế mạc, Mỹ cũng chuyển giao trách nhiệm chủ nhà APEC cho Peru, nước đăng cai các hội nghị APEC trong năm 2024.

Hội đồng Bảo an lần đầu thông qua được nghị quyết về Gaza

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ tại trụ sở ở New York hôm 10/11. (Ảnh: Reuters) 

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/11 kêu gọi tạm dừng giao tranh khẩn cấp giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas trong một khoảng thời gian đủ để hoạt động cứu trợ có thể đến tay người dân.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã vượt qua bất đồng, để thông qua một nghị quyết yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em. 

Nghị quyết do Malta soạn thảo đã được thông qua với 12 phiếu thuận, không có phiếu phản đối, 3 nước bỏ phiếu trắng. Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các bên không tước đi các dịch vụ cơ bản và viện trợ nhân đạo cần thiết cho cuộc sống của người dân ở Gaza, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với tất cả các con tin do lực lượng Hamas bắt giữ.

Phát biểu tại cuộc họp, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas Greenfield nhấn mạnh: “Chúng ta có trách nhiệm phấn đấu vì một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em. Và chúng ta phải đảm bảo người Israel và người Palestine có thể chung sống hòa bình, bên cạnh nhau trong quốc gia của họ với các biện pháp bình đẳng về an ninh, tự do, cơ hội và nhân phẩm”.

Bất đồng là nguyên nhân khiến hội đồng Bảo an không thông qua được các nghị quyết liên quan đến tình hình chiến sự tại dải Gaza. Bất đồng giữa các thành viên chủ yếu tập trung vào việc nên kêu gọi tạm dừng nhân đạo hay ngừng bắn.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tái đắc cử

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. (Ảnh: AP). 

Ngày 16/11, trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez đã tái đắc cử nhiệm kỳ mới sau khi nhận được 179 phiếu thuận, 171 phiếu chống và không có phiếu trắng.

Kết quả bỏ phiếu này đã chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài sau khi không đảng nào giành thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7.

Cuộc bỏ phiếu cho phép ông Sanchez thành lập một chính phủ liên minh cánh tả thiểu số mới sau khi đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) cầm quyền của ông bị đảng Nhân dân (PP) bảo thủ đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 23/7 vừa qua.

Trước đó, đảng PSOE của ông Sanchez đã đạt được các thỏa thuận riêng với một số đảng trong khu vực để giành được sự ủng hộ, bao gồm việc đề xuất một dự luật gây tranh cãi về ân xá cho những người ly khai ở vùng Catalonia,  dẫn đến biểu tình tại nhiều nơi.

Trong khi đó, đảng PP bảo thủ dù nhận được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7 nhưng không đủ đa số. Lãnh đạo đảng này, ông Alberto Nunez Feijoo đã không tìm kiếm được sự ủng hộ của các đảng khác để trở thành Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu tháng 9 vừa qua.

Sau cuộc bỏ phiếu trên, ông Sanchez sẽ tập trung vào việc bổ nhiệm nội các mới.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer. (Ảnh: AFP)

Ngày 16/11, một ngày sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa cũng đã được thông qua tại Thượng viện với 87 phiếu thuận và 11 phiếu chống.

Theo đó, dự luật sẽ duy trì ngân sách cho Chính phủ chi tiêu ở mức hiện tại đến giữa tháng 1/2024, ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa vào ngày 17/11 và giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để xây dựng các dự luật chi tiêu đầy đủ hơn cho các cơ quan và chương trình chính sách.

Dự kiến, dự luật sẽ sớm được trình Tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê chuẩn để có hiệu lực ngay trước thời điểm luật chi tiêu trước đó của Chính phủ hết hạn vào ngày 17/11. 

Dự luật chi tiêu tạm thời giúp chính phủ Mỹ trang trải các khoản phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, các chương trình năng lượng, xây dựng quân sự cho đến ngày 19/1/2024. Trong khi đó, nguồn tài trợ cho tất cả các hoạt động liên bang khác, bao gồm cả quốc phòng, sẽ hết hạn vào ngày 2/2/2024.

Trước đó, dự luật chi tiêu tạm thời đã được Hạ viện thông qua với 336 phiếu thuận và 95 phiếu chống, trong đó số nghị sĩ Dân chủ ủng hộ (209) nhiều hơn các nghị sĩ Cộng hòa (127).

Quốc hội Mỹ đang rơi vào tình trạng bế tắc tài chính lần thứ 3 trong năm nay, sau một thời gian dài bế tắc với tổng nợ công lần đầu tiên vượt hơn 31.000 tỷ USD vào ngày 18/9 vừa qua, khiến chính phủ liên bang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Giá dầu giảm tuần thứ 4 liên tiếp

Tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu Brent và WTI giảm hơn 1%. (Ảnh: Reuters)

Giá dầu thế giới trong tuần qua đã giảm hơn 1%. Như vậy đây là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Chốt phiên ngày 17/11, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,19 USD (4,1%) lên 80,61 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,99 USD (4,1%) lên 75,89 USD/thùng. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số tàu chở dầu của Nga là một trong những nhân tố đã "hậu thuẫn" cho giá dầu trong phiên này.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu chủ chốt này vẫn giảm hơn 1% và ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Giá dầu giảm chủ yếu do lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ tăng và sản lượng duy trì ở mức cao kỷ lục.

Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và hoạt động công nghiệp chậm lại tại Trung Quốc cũng gây áp lực lên thị trường dầu.

Với giá dầu Brent dưới 80 USD/thùng, nhiều nhà phân tích dự đoán Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024.

Giới phân tích dự đoán OPEC+ sẽ xem xét liệu có cắt giảm thêm nguồn cung dầu hay không khi nhóm họp vào cuối tháng này.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết, các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ và cho rằng hành động của các nhà đầu cơ đã khiến giá giảm. OPEC đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, lên 421,9 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters với mức tăng 1,8 triệu thùng.

Lũ lụt khiến hơn 100 người thiệt mạng ở vùng Sừng châu Phi

Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Beledweyne, Somalia.
(Ảnh: AFP/Getty Images)

Tổ chức phi chính phủ “Save the Children”, có trụ sở tại Anh, ngày 16/11 công bố báo cáo ghi nhận ít nhất 111 nạn nhân, trong đó có 16 trẻ em, đã thiệt mạng và 700.000 người khác buộc phải di dời do mưa lớn dẫn đến lũ lụt ở vùng Sừng châu Phi trong những tuần gần đây.

Hiện tượng khí hậu El Nino đang làm trầm trọng thêm những hậu quả do mùa mưa trong khu vực gây ra, đặc biệt ảnh hưởng đến Somalia, Ethiopia và Kenya.

Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng. Kể từ cuối năm 2020, Somalia, cùng một phần của Ethiopia và Kenya đã hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong khu vực suốt 40 năm qua.

El Nino - thường liên quan đến nhiệt độ tăng cao, hạn hán ở một số nơi trên thế giới và mưa lớn ở những khu vực khác - sẽ tiếp tục kéo dài cho đến tháng 4 năm sau. Hiện tượng khí hậu này đã tàn phá khu vực Đông Phi. Từ tháng 10/1997 đến tháng 1/1998, lũ lụt kinh hoàng sau những trận mưa xối xả do El Niño gây ra đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở 5 quốc gia trong khu vực.

Cuối năm 2019, ít nhất 265 nạn nhân đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người buộc phải di dời trong 2 tháng mưa liên tục ở một số quốc gia Đông Phi bao gồm Burundi, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania, Uganda./.

PV (tổng hợp)

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-ket-noi-doi-moi-de-kien-tao-tuong-lai-ben-vung-652716.html

 
 
 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.