Menu

Thế giới tuần qua: Xung đột leo thang ở Dải Gaza

15/10/2023 20:48:50

Thế giới tuần qua dành nhiều sự quan tâm đến cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel. Bên cạnh đó, thảm họa động đất ở Afghanistan, cảnh báo lãi suất cao gây rủi ro cho nhiều quốc gia,… là một số tin đáng chú ý trong tuần.

Hàng nghìn người thiệt mạng vì xung đột Hamas-Israel

Bạo lực bùng phát xung quanh Dải Gaza bắt đầu từ ngày 7/10, sau khi Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine tiến hành cuộc tấn công tên lửa chưa từng có vào lãnh thổ Israel. Sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các đợt không kích trên khắp dải Gaza vốn là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người Palestine.

Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas để trả thù cho vụ tiến hành cuộc tấn công ngày 7/10.  Trong diễn biến mới nhất, bộ binh Israel đã thực hiện các cuộc tấn công đầu tiên vào Dải Gaza để truy lùng và "ngăn chặn các nhóm vũ trang với tên lửa chống tăng dẫn đường có ý định xâm nhập vào lãnh thổ Israel".

Xe tăng của Israel tiến về biên giới Dải Gaza ở miền Nam Israel, ngày 12/10. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Quân đội Israel yêu cầu tất cả người dân ở Gaza sơ tán về phía nam vì "sự an toàn của chính họ". Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết, việc hơn 1 triệu người di chuyển qua vùng chiến sự đông dân đến một nơi không có thức ăn, nước uống hoặc chỗ ở, khi toàn bộ lãnh thổ đang bị bao vây, là việc cực kỳ nguy hiểm và thậm chí không thực hiện được. Hệ thống y tế tại Dải Gaza đang bên bờ vực sụp đổ, các bệnh viện ở khu vực phía Nam đều đã quá tải và không thể tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mới từ khu vực phía Bắc.

Tính đến nay, cuộc xung đột Israel - Hamas khiến khoảng 1.300 người tại Israel thiệt mạng, 3.400 người bị thương. Tại Dải Gaza, gần 1.800 người thiệt mạng và hơn 6.300 người bị thương.

Trước tình hình căng thẳng leo thang, đại diện nhiều tổ chức và các nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời đang nỗ lực các hoạt động viện trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột. Trong khi đó, ngày 13/10, hàng chục nghìn người tại các nước Trung Đông, châu Á, châu Âu và Mỹ đã xuống đường tuần hành, bày tỏ phản đối bạo lực, ủng hộ bảo vệ tính mạng dân thường trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và quân đội Israel leo thang tại Dải Gaza.

Afghanistan hứng chịu thiệt hại nặng nề sau các trận động đất

Liên tục trong các ngày 7/10, 9/10 và 11/10, Afghanistan hứng chịu các trận động đất mạnh gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trong đó, trận động đất ngày 7/10 có độ lớn 6,3 làm rung chuyển miền Tây Afghanistan và kèm theo một loạt dư chấn mạnh. Trận động đất xảy ra vào khoảng 11h sáng, thời điểm nam giới đều vắng nhà, do đó phần lớn những người tử vong và bị thương là phụ nữ và trẻ em ở nhà vào thời điểm đó. Chính quyền Taliban - lực lượng đang nắm quyền tại Afghanistan - ước tính ít nhất 2.400 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người đã bị thương trong các trận động đất vào cuối tuần qua.

Khung cảnh tan hoang sau động đất ở Afghanistan. (Ảnh: AP) 

Hàng nghìn ngôi nhà ở quốc gia này cũng bị phá hủy do động đất. Sức tàn phá khủng khiếp của thảm họa động đất tiếp tục gia tăng áp lực lên quốc gia Tây Nam Á vốn đang phải gồng mình do khủng hoảng kinh tế và chiến tranh liên miên. Hệ thống y tế của Afghanistan, vốn chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài, đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền.

Đây là một trong những trận động đất nguy hiểm nhất tấn công Afghanistan trong những năm gần đây. Trước đó, vào tháng 6/2022, một trận động đất mạnh 5,9 độ richter đã tấn công các tỉnh phía Đông Paktika và Khost giáp Pakistan, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Afghanistan thường xuyên xảy ra động đất, đặc biệt là ở khu vực dãy núi Hindu Kush (nằm giữa nước này và Pakistan) vốn nằm gần điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Á-Âu và Ấn Độ.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo lãi suất cao gây rủi ro cho nhiều quốc gia                             

Ngày 11/10, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Indermit Gill nhận định, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất có thể gây rủi ro cho các quốc gia vốn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nợ.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Indermit Gill. (Ảnh: Bloomberg)

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng khác để ngỏ khả năng duy trì chính sách tăng lãi suất trong thời gian dài nhằm kìm hãm lạm phát gia tăng. Ông Gill cho rằng, lãi suất cao trong khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại là một rủi ro cần lưu ý.

Ông Gill cho biết, trong thời kỳ lãi suất cao kéo dài vào những năm 1970, khoảng 24 nền kinh tế đã bị phá sản. Nhà Kinh tế trưởng WB cũng dự báo, chu kỳ thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài, do đó một số quốc gia sẽ gặp khó khăn.

Ngày 10/10, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế toàn cầu vẫn “kiên cường” bất chấp hậu quả từ đại dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.

Trong khi đó, Chủ tịch WB Ajay Banga cho biết, rõ ràng lạm phát bắt đầu giảm song sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ông Banga nhận định, điều này ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và gây khó khăn cho người dân vốn đã quen với mức lãi suất thấp trong nhiều năm.

Tại cuộc họp chính sách hồi tháng 9, các nhà hoạch định chính sách của FED đã đồng thuận rằng vẫn sẽ thắt chặt chính sách trong thời gian dài để hạ nhiệt lạm phát. Các quan chức FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5%. FED cũng báo hiệu rằng sẽ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Các nước đối phó với hàng trăm lời đe dọa đánh bom

Cảnh sát Litva cho biết, các trường học ở nước này đã tràn ngập những lời đe dọa đánh bom kể từ sáng 13/10, sau hàng loạt vụ việc tương tự ở các nước láng giềng.

Cảnh sát trưởng Litva, ông Renatas Pozela, thông tin, "cuộc tấn công hàng loạt phối hợp" bắt đầu vào cuối ngày 12/10 liên quan đến hàng trăm email được gửi từ một máy chủ trong Liên minh châu Âu. Ông Pozela cho biết, phần lớn tin nhắn bằng tiếng Nga và một số có nội dung chính trị.

Tại Estonia, làn sóng email spam đe dọa đánh bom bắt đầu vào diễn ra vào cuối ngày 11/10. Do đó, hầu hết các trường học ở Tartu, thành phố lớn thứ hai của Estonia, đã phải đóng cửa trong ngày 12/10.

Pháp báo động an ninh mức cao nhất sau vụ đâm dao ở trường học. (Ảnh: AP)

Các trường học ở Litva đã nhận được 750 email chỉ trong ngày 13/10 và còn nhiều hơn nữa, nhà chức trách nước này cho biết. Mặc dù hàng trăm trẻ em ở Litva, Latvia và Estonia được yêu cầu không đến trường vì bị đe dọa đánh bom, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Litva Agnė Bilotaitė cho biết, dường như không có bất kỳ mối nguy hiểm nào.

Tại Pháp, ngày 14/10, các nguồn tin cảnh sát cho biết du khách đã được sơ tán khỏi Cung điện Versailles sau khi xuất hiện nhận tin nhắn nặc danh đe dọa đánh bom danh thắng này. Trước đó, cùng ngày, Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp đã phải đóng cửa "vì lý do an ninh".

Cũng trong ngày 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh huy động 7.000 binh sĩ để tăng cường tuần tra an ninh tại các trung tâm thành phố lớn và địa điểm du lịch trên khắp cả nước. Lệnh trên được đưa ra một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công bằng dao tại một trường học ở thành phố Arras, khiến 1 giáo viên thiệt mạng và 2 người khác bị thương nặng. Pháp đã báo động an ninh mức cao nhất sau vụ tấn công này.

Lào tiêu hủy hàng chục tấn ma túy

 Hưởng ứng Ngày phòng chống ma túy quốc gia Lào (12/10/2001 – 12/10/2023),  nhiều tỉnh, thành của nước này vừa thiêu hủy hàng chục tấn ma túy cùng nhiều tang vật liên quan mà lực lượng chức năng thu giữ trước đó.

Lực lượng chức năng tỉnh Xaysomboun thiêu hủy ma túy. (Ảnh: TTXVN)

Trong dịp này, lực lượng chức năng tỉnh Bokeo đã thiêu hủy hơn 21 tấn ma túy gồm các loại heroin, ketamin, caffein, cocaine, thuốc lá điện tử,... Tại tỉnh Oudomxay, Bắc Lào, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành thiêu hủy 29 kg heroin, 2,6 triệu viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tiền chất ma túy khác, trong khi tỉnh Xaysomboun đã thiêu hủy hơn 16.000 viên ma túy tổng hợp.

 Trung tá Thongphieng Kongsadeth, Phó Giám đốc Công an tỉnh Xaysomboun cho biết, trong thời gian qua có tổng cộng 69 vụ án ma túy xảy ra trên địa bàn và có tổng cộng 95 người bị bắt giữ, thu giữ 23.093 viên ma túy, 8.850.000 kip (10,4 triệu VND), 12 xe máy và 8 điện thoại di động.

Nhân dịp Ngày phòng chống ma túy quốc gia Lào, Đại tướng Vilay Lakhamphong, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào, đã đưa ra 7 giải pháp nhằm đẩy lùi tệ nạn ma túy trong thời gian tới gồm: chú trọng công tác phòng, chống ma túy, coi đó là nghĩa vụ của mọi thành phần trong xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho toàn xã hội về tác hại của ma túy; cải tạo các cơ sở cai nghiện, cơ sở hướng nghiệp học nghề; chấp hành nghiêm pháp luật; tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; tập trung kiểm tra, giám sát; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới./.

PV (tổng hợp)

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-xung-dot-leo-thang-o-dai-gaza-649446.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.