TỨ SƠN - QUÊ MẸ TA YÊU
Xin giới thiệu cùng quý độc giả tác phẩm thơ "TỨ SƠN - QUÊ MẸ TA YÊU" của tác giả Đào Nguyên Lan sáng tác, nhân tham gia chuyến đi "Về nguồn' cùng các Văn nghệ sỹ - Nhà báo Xứ Thanh tại Hà Nội.
TỨ SƠN - QUÊ MẸ TA YÊU
Cùng đoàn nghệ sỹ quê xứ Thanh,
Về thăm đất mẹ một mai lành.
Xe chạy mà lòng sao khắc khoải
Trời thì cao vút, gió thì xanh…
Xứ Thanh chưa phải thật là giàu,
Dù chân có biển, núi trên đầu.
“Rừng vàng biển bạc” ngày xưa đó,
Khai thác nhiều cạn kiệt, còn đâu…
Tính đường phát triển thật vững bền,
Các vùng động lực được xây nên.
“Tứ sơn” bốn phía như đòn bẩy,
Giúp tỉnh Thanh vững bước đi lên.
Đoàn ta trước hết đến Nghi Sơn,
Nơi xóm nghèo xưa mọc, cô đơn.
Làng chài hiu hắt thuyền lưới vá,
Người dân luôn thiếu áo, đói cơm…
Đoàn Văn nghệ sỹ - Nhà báo thăm Nhà máy điện Nghi Sơn
Nghi Sơn nay đã khác xưa rồi,
Đến thăm, du khách bỗng bồi hồi.
Mênh mông mười cảng xa ngút mắt
Tàu nhỏ tàu to lộng đất trời.
Nhà máy, công trường sát bên nhau,
Mọc lên ngay ngắn, trước và sau,
Lọc dầu, nhiệt điện, xi măng, thép…
Như thể bước ra tự phép mầu.
Tiếp theo, đoàn đến xứ Lam kinh,
Nơi xưa Lê Lợi đã dấy binh.
“Nhân kiệt” bao đời còn truyền mãi,
Ngàn năm lưu tiếng đất ‘địa linh”.
Đoàn Văn Nghệ sỹ - Nhà báo thăm viếng Lam Kinh.
Lam Sơn định hướng công nghệ cao,
Đang phát triển nhanh, đáng tự hào.
Lắp ráp, hàng không, đồ gia dụng,
Giao thông, du lịch với thể thao…
Cô em hướng dẫn thật xinh tươi
Giới thiệu, lái xe, miệng nói, cười
Khiến mấy nhà thơ nhìn ngơ ngẩn.
Chia tay, còn nhớ mãi dáng người…
Tạm xa miền núi, về Sầm Sơn,
Nơi biển quê, đâu cảnh đẹp hơn.
Trống Mái chuyện tình lưu thiên cổ,
Vọng đài Độc Cước đứng cô đơn…
Đoàn thăm Hòn Trống - Mái (Sầm Sơn)
Chẳng mấy đâu xa, xưa làng Sầm,
Một vùng hoang biển cát lặng câm.
Dăm ba thuyền nát bờ neo đậu
Mấy cánh buồn tàn lặng thả câu…
Chỉ thế, thế rồi một sớm mai,
Sầm Sơn đón Bác đến nơi đây.
Cởi trần, Bác lẫn vào ngư phủ,
Cùng kéo chài lên mẻ cá đầy.
Bác Hồ kéo lưới cùng Ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa - Ảnh tư liệu)
Bác dạy:
“Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng,
Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”
“Nếu biết tính toán, làm ăn,
Sẽ ra của cải muôn phần từ đây”.(1)
Nghe lời Bác dặn, người Sầm Sơn,
Như lòng được cởi, tỏ nguồn cơn.
Hăng say làm việc, tư duy mới,
Thị xã ngày thêm tiến xa hơn.
Những công trình mới mọc lên nhiều,
Nguy nga tráng lệ biết bao nhiêu.
Thu hút đầu tư ngày càng lớn,
Sầm Sơn điểm đến - khách tin yêu.
Tứ Sơn, bốn điểm, chỉ tiếc là
Đoàn chúng mình thăm được có ba.
Tuy nhiên đã thấy đà tăng trưởng
Tỉnh Thanh rồi sẽ tiến thật xa.
Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa)
Tiếc là đoàn đã hết thời gian
Chưa về thăm thị xã Bỉm Sơn
Trung tâm của tỉnh về công nghiệp,
Nơi nổi danh “Thủ phủ xi măng”
Cũng chưa về được đất Đông Sơn
Đây miền đất cổ chẳng đâu hơn
Chim Hạc bay về từ Núi Đọ
Trống đồng bạc tóc lũ xâm lăng…(2)
Núi Đọ (Đông Sơn, Thanh Hóa)
Tạm biệt quê rồi nhưng không xa
Người Thanh, ta mãi cứ là ta
Chung tay ta sẽ cùng xây dựng
Tỉnh Thanh tươi đẹp tựa vườn hoa…
Chú thích:
1: Sinh thời, năm 1960, Bác Hồ đã về thăm Sầm Sơn, Bác làm thơ tặng cán bộ và nhân dân, thăm đền Độc Cước, cùng bà con ngư dân kéo lưới. Hình ảnh vị cha già dân tộc rất đỗi thân quen vẫn được người dân nơi đây nhắc đến như một niềm tự hào sâu sắc.
2: Cuối thế kỷ XIII, sau lần xâm lược thất bại, quan nhà Nguyên là Trần Phu đi sứ sang nước ta, dọc đường nghe tiếng trống đồng mà khiếp sợ, khi về nước làm thơ rằng:
“Ðồng cổ thanh trung bạch phát sinh, Dĩ hạnh, quy lai thân kiện tại.” (Nghĩa là: Nghe tiếng trống đồng mà sợ bạc cả tóc, May sao về đến nhà vẫn được bình an)
Đào Nguyên Lan