Menu

Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến giữa tháng 5/2024

05/05/2024 21:39:06

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự báo các đợt xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tới đây xuất hiện ở mức thấp hơn ngày 10 - 13/3 nhưng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024. Các đợt xâm nhập mặn cao dự kiến xuất hiện vào các ngày 6 - 10/5/2024.

Nhiều diện tích cây trồng ở Long An bị thiếu nước tưới do ảnh hưởng của hạn mặn. (Ảnh: Báo Long An) 

Theo đó, ở vùng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, ranh mặn 4 g/l vào sâu từ 85 - 90 km trên sông Vàm Cỏ và có khả năng đạt đỉnh cao nhất trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5/2024. Thời gian các đợt xâm nhập mặn cao vào các ngày từ 6 - 10/5.

Để tránh thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng và địa phương trong khu vực đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đó là toàn bộ diện tích lúa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long được khuyến cáo đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín, bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn. Đến nay, trà lúa Đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được trên 1,3 triệu ha/1.488.182ha xuống giống, đạt trên 87%.

Các khu vực dân cư bị thiếu nước do nguồn nước dưới đất bị suy giảm, không đủ khả năng cấp theo yêu cầu như khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An, các huyện U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau; nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép như các công trình cấp nước các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang; nguồn nước ngọt không đủ cấp do hạn hán như các công trình cấp nước tại các xã Long Cang, Long Định huyện Cần Đước, Long An; và các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời kỳ bị thiếu nước, xâm nhập mặn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang.

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất tại địa phương, cùng với triển khai các giải pháp ứng phó hữu hiệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ký Quyết định về việc công bố tình huống, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt, cấp nước vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt.

Ở thời điểm này, các đơn vị cấp nước sinh hoạt trong tỉnh Bến Tre cũng đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch bơm lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý; xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước; vận hành linh hoạt các phương án cấp nước như: đắp đập tạm ngăn mặn tại các khu vực lấy nước, chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt, độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt... theo khung giờ.

Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay, địa phương đã xây dựng kế hoạch và thông tin đến từng hộ dân để chủ động phòng chống hạn, mặn. Cụ thể, có 4 kịch bản theo độ mặn, độ bao phủ để ứng phó bằng 4 giải pháp phù hợp nếu hạn, mặn xảy ra. Hiện tại, huyện đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình và cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là. Nếu mặn kéo dài thì nguồn nước ngọt tích trữ tại chỗ cũng có khả năng bảo đảm tưới tiêu trong thời gian khoảng 2 tháng.

Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay, việc khó khăn lớn nhất của địa phương đó là nhu cầu về đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn kinh phí phân bổ còn hạn chế. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn đang dang dở và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai… Do đó, tỉnh Bến Tre chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Bên cạnh đó, do hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa được khép kín, nên xâm nhập mặn tăng cao, gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước, dẫn đến độ mặn sau xử lý tăng cao theo diễn biến của xâm nhập mặn; đồng thời, do phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trải tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước, lọc mặn.

Song song đó, tỉnh Bến Tre, các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã ban hành kế hoạch, phương án ứng phó cũng như tổ chức chương trình phát động và tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân về thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô. Riêng ngành Nông nghiệp Bến Tre cũng đã và đang tập trung theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm nước mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.

Hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho người dân ở vùng hạn mặn xâm nhập. (Ảnh: Báo Ấp Bắc) 

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn trong mùa khô 2023 - 2024, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, các xã đảo, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ống từ các công trình cấp nước tập trung tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh (An Minh); đầu tư bồn trữ nước xã đảo Hòn Nghệ. Tỉnh này cũng có phương án hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa chứa nước dung tích 0,5 - 1m3 và hóa chất xử lý nước khẩn cấp cho các hộ dân ở khu vực phân tán, vùng khó khăn về nước sạch. Các địa phương chủ động trữ nước an toàn vào các hồ chứa Dương Đông (TP Phú Quốc); Bãi Nhà, Bãi Cây Mến (huyện Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt an toàn cho nhân dân trên đảo.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, nhờ chủ động ứng phó kịp thời tình hình hạn, mặn xâm nhập, đến nay tỉnh bảo đảm an toàn sản xuất, nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, theo nhận định từ các cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ giải pháp ứng phó hiệu quả với hạn hán, mặn xâm nhập, trong đó thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình nguồn nước, diễn biến hạn, mặn. Đồng thời, chủ động hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra cống bọng, bờ bao, chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới, đề phòng nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng; thông báo cho người dân trong khu vực nhiễm mặn biết để chủ động sản xuất, sử dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, khoa học nhằm tiết kiệm nước tưới

Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng, như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu); thiết lập các điểm cấp nước công cộng (Tiền Giang 50 điểm cấp nước); tổ chức cấp nước luân phiên (Long An), đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống (Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng); khoan bổ sung giếng khai thác hoặc sử dụng các giếng sẵn có nhưng tạm chưa khai thác (Long An); sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý (Bến Tre)./.

Bảo Châu (t/h)

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/tam-nhin-moi-muc-tieu-moi-phat-trien-6-vung-chien-luoc/dong-bang-song-cuu-long/xam-nhap-man-se-anh-huong-den-giua-thang-5-2024-663586.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.