Menu

Xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hoá mũi nhọn

23/11/2023 15:57:57

Nhiều nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, chuyên gia… thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính chia sẻ thông tin, bàn thảo, nhận định, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng BTC LHP Việt Nam lần thứ XXIII phát biểu đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Trần Huấn)

Ngày 23/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXIII, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng: Một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế. 

Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” trong khuôn khổ LHP Việt Nam được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính… cùng chia sẻ thông tin, bàn thảo, nhận định, đánh giá, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh trong những năm tới. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi xoay quanh một số nội dung như chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc huy động các nguồn vốn cho điện ảnh, công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với công tác khán giả; Hoạt động gắn kết giữa điện ảnh và du lịch, hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ về các vấn đề về công nghệ, về trường quay, các kiến nghị, đề xuất được trao đổi nhằm gợi mở, xây dựng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Trao đổi tại hội thảo, bà Ngô Thị Ngọc Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho rằng: Thông qua việc nghiên cứu một số chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh những năm qua cho thấy Nhà nước đã có sự ưu đãi rất cụ thể về thuế, đất đai, đầu tư….cho sự phát triển điện ảnh. Thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển điện ảnh.

Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển điện ảnh, theo bà Oanh cần có sự quan tâm bố trí nguồn lực của các các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương nghiên cứu, xây dựng những chính sách cụ thể và khả thi. Bên cạnh sự cố gắng của Nhà nước, cũng rất cần sự cố gắng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để phát huy năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh…

Còn Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh này, ngành công nghiệp điện ảnh không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa giải trí mà còn là một phần quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Tuy nhiên, để tiến xa hơn và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc hiểu và tận dụng dữ liệu lớn (big data) đã trở thành một điểm đặc biệt quan trọng.

Từ những dẫn chứng cụ thể của các nước trên thế giới trong việc vận dụng dữ liệu hơn trong ngành công nghiệp điện ảnh, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng: Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng để bắt kịp với xu thế chung của thế giới, giúp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh thì đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh về sử dụng dữ liệu lớn; cần xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến dữ liệu lớn và ứng dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh; đầu tư nguồn lực cho triển khai dữ liệu lớn trong phát triển công nghiệp điện ảnh…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, phát huy tiềm năng thế mạnh của điện ảnh trong thu hút khách du lịch được nhiều địa phương quan tâm triển khai thúc đẩy, như: Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh…

Phim "Ván bài lật ngửa" thực hiện các cảnh quay tại Đà Lạt, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh của TP Đà Lạt đến với công chúng. (Ảnh: Viện Phim Việt Nam)

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài, riêng năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã đón 130 đoàn làm phim và đều áp dụng chính sách miễn phí cho các đoàn làm phim. Thông qua hoạt động này thu hút các nhà làm phim tiếp tục xây dựng ý tưởng, nội dung, sản xuất các bộ phim hay về Lâm Đồng - Đà Lạt góp phần giới thiệu, quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, con người tỉnh Lâm Đồng nói chung và vẻ đẹp của TP Đà Lạt nói riêng đến với công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế; đẩy mạnh kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án điện ảnh, nhất là sau khi Đà Lạt chính thức được UNESCO công nhận Thành phố sáng tạo về âm nhạc vào tháng 10/2023 vừa qua./.

Phú Đức

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-dien-anh-viet-nam-tro-thanh-nganh-cong-nghiep-van-hoa-mui-nhon-653226.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.