Menu

An ninh được thắt chặt ở phiên tòa giai đoạn 2 xét xử Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm

19/09/2024 09:38:27

Sáng 19/9, TAND TP HCM tổ chức phiên xét xử giai đoạn 2 Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm. Từ sáng sớm lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động có mặt bên trong và ngoài trụ sở Tòa án để đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa.

HĐXX gồm: Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh tòa hình sự - TAND TP HCM; Thẩm phán Vũ Hoài Nam và 3 Hội thẩm nhân dân.

An ninh được thắt chặt ở phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm.

Đại diện VKSND TP HCM, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa gồm Kiểm sát viên: Vũ Tất Ba, Đào Lê Văn, Nguyễn Hồng Hiệp, Bùi Thanh Hằng, Lê Trương Hà Linh và Kiểm sát viên dự khuyết Nguyễn Việt Dũng.

Theo TAND TP HCM, các bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Khánh Hoàng, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công bị VKSND tối cao truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Các bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Vũ Anh Thi và Bùi Anh Dũng bị VKSND tối cao truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Từ sáng sớm lực lượng Công an, CSGT có mặt bên trong và ngoài trụ sở Tòa án để đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung bị VKSND tối cao truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Các bị cáo Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương, Bùi Đức Khoa, Thái Thị Thanh Thảo, Ngô Thanh Nhã, Trương Thị Kim Lài, Kwok Hakman Oliver, Trần Thị Thúy Ái, Phạm Thị Thúy Hằng, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân, Trần Văn Tuấn, Trần Thị Lan Chi, Trần Đình Hưng, Huỳnh Phong Phú, Vũ Quốc Tuấn, Đinh Thị Ngọc Thanh, Lý Quốc Trung, Phạm Hoa Đăng bị VKSND tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric), Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên và Trần Xuân Phượng bị VKSND tối cao truy tố về tội “Rửa tiền”.

Lực lượng chức năng bên ngoài phiên tòa xét xử giai đoạn 2 Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm.

Bị cáo Tô Thị Anh Đào bị VKSND tối cao truy tố về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trong vụ án có 35.824 người được xác định là bị hại, có 534 cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Dự kiến phiên tòa kết thúc vào ngày 19/10/2024.

Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQTtừ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) qua đó, thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Cáo trạng của VKSND tối cao đã làm rõ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống", với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về tổng số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

An ninh phiên tòa được thắt chặt nhiều lớp, từ vòng ngoài đến vòng trong.

Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng của 35.824 bị hại.

Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can về tội Rửa tiền. Trong tội này, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền hàng trăm ngàn tỉ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu.

Về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Cáo trạng chỉ rõ, bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can đã vận chuyển trái phép số tiền hơn 4 tỉ đô la Mỹ.

Theo TAND TP HCM, toàn bộ phóng viên tham dự đưa tin phiên tòa phải đeo thẻ báo chí trong suốt quá trình tác nghiệp. Hoạt động tác nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật, khu vực, thời gian tác nghiệp theo sự hướng dẫn của lực lượng bảo vệ phiên tòa, cán bộ Tòa án.

Hình ảnh phiên tòa do TAND TP HCM cung cấp. Phóng viên không sử dụng điện thoại di động trong quá trình tác nghiệp tại khu vực xét xử; Tòa án sẽ cung cấp máy tính xách tay cho phóng viên tác nghiệp của từng báo. Mỗi báo chỉ cử một nhân sự tác nghiệp tại phòng báo chí.

Phần khai mạc phiên tòa các cơ quan báo chí được tác nghiệp tại khu vực xét xử. Những phần còn lại và trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra cơ quan báo chí chỉ tác nghiệp tại phòng báo chí.

 

Đại Lánh

(theo baovephapluat.vn)

Nguồn: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/cau-chuyen-phap-luat/an-ninh-duoc-that-chat-o-phien-toa-giai-doan-2-xet-xu-truong-my-lan-va-33-dong-pham-164915.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

TRÀ VIỆT - VĂN HOÁ VÀ DI SẢN: Vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững ngành trà Việt Nam

Mạng lưới phát triển doanh nhân văn hoá sáng tạo Việt Nam - ASEAN (thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội) phối hợp cùng Cộng đồng Yêu trà Việt chính thức công bố chương trình: Vinh danh...