Bắt đầu xét xử Trương Mỹ Lan và 80 đồng phạm
Sáng 5/3/2024, bị cáo Trương Mỹ Lan và 80 đồng phạm được áp giải đến phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB. Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử và kiểm tra lý lịch các bị cáo.
HĐXX gồm có Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa hình sự TAND TP HCM làm chủ tọa; Thẩm phán Lê Công Huân và 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phiên tòa gồm có các đồng chí: Cao Anh Đức, Đặng Như Vĩnh, Vũ Mạnh Long, Vũ Tất Ba, Nguyễn Thị Hồng Vân, Đặng Thị Hồng Thủy (Kiểm sát viên cao cấp) và các đồng chí: Lưu Hoàng Tuấn, Nguyễn Đức Long, Ngô Phạm Việt, Nguyễn Hồng Hiệp (Kiểm sát viên trung cấp).
Chủ tọa phiên tòa đọc Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Các bị cáo bị xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo ghi nhận của PV, Báo Bảo vệ pháp luật, khoảng 7h, 81 bị cáo được lực lượng hỗ trợ tư pháp đưa đến tòa.
Hàng trăm chiến sĩ Công an, Cảnh sát cơ động, CSGT, dân quân tự vệ được huy động, chia thành nhiều lớp để đảm bảo trật tự, an ninh được siết chặt.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo trắng) tại phiên tòa xét xử.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phiên tòa.
Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi, gồm: "tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; cấu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.
Đồng thời tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Cáo trạng đã xác định rõ 5 bị can đang bỏ trốn, nắm giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB, tham gia tích cực giúp cho Trương Mỹ Lan thực hiện việc rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.
Trong đó, bị can Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, từ ngày 28/6/2012 đền ngày 19/10/2017 đã ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 42.770 tỉ đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, đã ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 189.103 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 99.677 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Thu Sương - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, đã ký hợp thức 79 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 6.989 tỉ đồng.
Tương tự, bị can Chiêm Minh Dũng - cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt lớn. Từ ngày 20/11/2012 đến ngày 4/4/2019, Chiêm Minh Dũng đã ký hợp thức 362 khoản vay, gây thiệt hại hơn 140.713 tỉ đồng.
Xe chở các bị cáo đến tòa.
Đối với bị can Trầm Thích Tồn - cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt lớn. Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, Trầm Thích Tồn đã ký hợp thức 80 khoản vay, gây thiệt hại số tiền hơn 7.176 tỉ đồng.
Riêng bị can Nguyễn Lâm Anh Vũ với vai trò là Phó Giám đốc Ngân hàng SCB – chi nhánh Bến Thành, từ ngày 13/8/2014 đến ngày 31/8/2015, đã ký hợp thức hồ sơ 112 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 3.762 tỉ đồng. Từ đó, giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Lực lượng hỗ trợ tư pháp dẫn giải các bị cáo vào tòa.
Trong 80 bị cáo còn lại có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND tối cao truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.
Ngoài ra, bị can Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"./.
Đại Lánh - Thịnh Đức - Mai Phong
(theo baovephapluat.vn)
Nguồn: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/theo-dong/bat-dau-xet-xu-truong-my-lan-va-80-dong-pham-154247.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế
- Rà soát dự thảo các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
- Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền
- Đảm bảo sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch
- Quy định về cấp, đổi lại các loại Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025