Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp được xác định là động lực tăng trưởng chính. Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương.
Bình Dương đang phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.
Bình Dương đang là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước. Nơi đây có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cho thuê 7.000 ha đất, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 93%. Bình Dương hiện còn có 10 cụm công nghiệp và hàng ngàn nhà máy nằm xen kẽ các khu dân cư. Các nhà máy hoạt động đã tạo ra việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Hiện nay tỉnh Bình Dương đang tiếp tục mở thêm các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài.
Với thế mạnh này, trong những năm qua, Bình Dương đã không ngừng phát triển công nghiệp thông qua hàng loạt những chính sách ưu tiên. Trên thực tế có thể thấy, ngành công nghiệp của Bình Dương đã có sự chuyển biến tích cực. Công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển mạnh, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.
Nhằm hướng tới hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng phát triển chung, Bình Dương đang phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, có tác động xấu đến môi trường. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí… và công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng của ngành.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, riêng nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp cũng đã nêu rõ, Bình Dương tiếp tục xem công nghiệp là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy móc, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện tử viễn thông, điều khiển từ xa, thiết bị vi mạch tích hợp, chip điện tử… Song song đó, Bình Dương cũng sẽ chú trọng phát triển công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Để phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp, Bình Dương đã và đang hình thành một số KCN, cụm công nghiệp liên ngành (ảnh: Ngọc Thanh)
Để phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp, Bình Dương đã và đang hình thành một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp liên ngành. Đến nay, có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại tỉnh. Điển hình như dự án của các Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc), Tetra Park (Singapore), Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Messer (Đức), Lego (Đan Mạch)…
Cùng với đó, Bình Dương cũng sẽ kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển. Đặc biệt là hạ tầng kết nối với quốc tế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu. Trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Bình Dương đang đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương. Theo đó, Bình Dương đang thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, như hình thành “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới. Bình Dương cũng tích cực chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Về mục tiêu cụ thể, trong cơ cấu kinh tế, đến năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%. 87% lao động sẽ được đào tạo để phục vụ cho phát triển công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế. 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý. |
V.Lê
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-duong-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-san-xuat-thong-minh-676584.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn
- Sửa đổi một số Nghị định quy định chi tiết về đầu tư theo phương thức PPP
- Đà Nẵng tự tin, bản lĩnh, năng động sáng tạo, vươn lên phát triển bứt phá
- Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững
- Tăng cường cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
- Chàng trai Tày mang khát vọng quảng bá quê hương
- Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 nước ta tiếp tục xu hướng tích cực