Cần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong kỷ nguyên công nghệ
Ngành công nghiệp bán dẫn với vai trò then chốt trong nền kinh tế số đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Nhân Dân)
Công nghệ bán dẫn đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết bị di động, công nghiệp ô tô, công nghiệp sản xuất… Nhận thức được tiềm năng to lớn của ngành này, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh kinh tế.
Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo, được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành bán dẫn… Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức với các giải pháp phù hợp và đồng bộ.
Hà Nội có tiềm năng và cơ hội lớn trong lĩnh vực bán dẫn
Trong khuôn khổ “Hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024” được tổ chức ngày 29/7 tại Hà Nội, các đại biểu đã trao đổi về tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Trần Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội (HPA), đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị cho biết: Công nghệ bán dẫn là "huyết mạch" của nền kinh tế số và là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Nguyễn Trần Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phát biểu tại “Hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn thành phố Hà Nội 2024”. (Ảnh: HPA)
Chia sẻ một số định hướng của Hà Nội về phát triển công nghiệp bán dẫn và doanh nghiệp công nghệ số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. Đồng thời, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin (VINASA) cho biết, thời gian tới, Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn; đồng thời phải xây dựng một chiến lược dài hạn cho xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và chip ít nhất trong 10 năm tới trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội
Tại tọa đàm ''Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức ngày 31/7, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.
Đối với Hà Nội, TS. Nguyễn Nhật Quang đề xuất nên xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với quy mô thành phố thông minh. Theo đó, Hà Nội cần có các đề án quy hoạch thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh. Bên cạnh đó, để trở thành thành phố thông minh, Hà Nội nên xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Đồng thời, tất cả các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) cần được thông minh hóa.
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến tại tọa đàm ''Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội” ngày 31/7.
(Ảnh: HPA)
Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Quang, để có hệ sinh thái toàn diện, các nhà hoạch định chính sách nên tham khảo tầm nhìn về vấn đề xây dựng công nghiệp bán dẫn Hà Nội trong tổng thể vùng thủ đô. Cụ thể, cần thành lập vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Trong đó, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Trong khi đó, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, có vị thế và ổn định chính trị tốt. Hơn nữa, Việt Nam có nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt; nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, có tay nghề cao, chăm chỉ và sáng tạo với hơn 70 trường đại học công nghệ và STEM trên toàn quốc.
GS.TS Chử Đức Trình nhận định, Hà Nội hội tụ những điểm mạnh về vị trí địa lý, giao thông, dân số, giáo dục và thị trường nhân lực, chính sách. Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, đã xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của thành phố. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn là Việt Nam cần chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển. Chọn được đúng vị trí sẽ giúp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp bán dẫn hợp lý, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bền vững./.
Song Anh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/can-thuc-day-nganh-cong-nghiep-ban-dan-trong-ky-nguyen-cong-nghe-673957.html
Bài viết cùng chuyên mục
- “Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư"
- Khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam
- Phấn đấu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
- Kỳ 5. Đổi mới sáng tạo: Động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam
- Đề xuất nhà khoa học là viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo