Menu

Chàng trai Tày mang khát vọng quảng bá quê hương

07/09/2024 15:57:36

Với bầu không khí trong lành cùng những điểm du lịch thú vị như cổng trời Quản Bạ, núi Cô Tiên, hang Lùng Khúy, hoa tam giác mạch nở rộ khắp triền núi, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt mùa trồng lúa và vàng óng mùa lúa chín vàng, Hà Giang đang là một điểm thu hút nhiều du khách cả trong nước và quốc tế ghé thăm.

Đáng chú ý, trong quá trình phát triển du lịch của địa phương phải kể đến mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đang được nhân rộng nơi vùng đất của đá núi này. Sự phát triển của mô hình hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng được xem là một trong cách thức phát triển du lịch đặc sắc và độc đáo của Hà Giang trong bối cảnh hiện nay.

Khu homestay thuộc HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ (Quanba Taigoo) tại Làng du lịch văn hóa cộng đồng Nặm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang. (Ảnh: PV)

Nhân dịp trải nghiệm hình thức này khi đi tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, đầy tráng lệ của cao nguyên đá Hà Giang, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ một chàng trai người Tày mang trong mình khát vọng quảng bá Hà Giang với các nét đẹp văn hóa bản sắc cùng phong vị đậm chất Hà Giang đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Anh Nguyễn Đỗ Mười sinh năm 1988, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ, là người trẻ tuổi, có bằng Đại học, giỏi ngoại giao lại biết tính nhanh, biết vì lợi ích của dân làng, nên được tín nhiệm bầu làm Giám đốc. HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ của anh Mười được thành lập từ năm 2018, đến nay có 30 thành viên, trung bình mỗi thành viên thu nhập 20 triệu đồng/tháng từ dịch vụ du lịch homestay. Quá trình hình thành và hoạt động, HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ cũng gặp nhiều khó khăn như tiếp cận khách hàng; thiếu nguồn vốn nâng cao năng lực cho các thành viên... Tuy vậy, theo thời gian, HTX dưới sự dẫn dắt của anh Mười đã dần vượt qua khó khăn và đoàn kết cùng nhau xây dựng hình ảnh du lịch của Nặm Đăm, bởi nếu không đón được khách, thì cái nghèo cứ chạy từ nhà này đến nhà khác mãi mà chẳng chịu chạy ra khỏi làng.

Anh Nguyễn Đỗ Mười cùng cộng sự và bà con trong thôn bản làm dịch vụ du lịch cộng đồng bên mâm cơm đặc trưng dân tộc chuẩn bị thiết đãi du khách. (Ảnh nhân vật cung cấp) 

Quanba Taigoo (cách đọc: Quản Bạ Tài gồ) là một HTX du lịch cộng đồng nằm trong Làng du lịch văn hóa cộng đồng Nặm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang, với sự quản lý của 7 thành viên, điều hành là chàng thanh niên người Tày đầy tình yêu với quê hương và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của vùng cao nguyên đá Nguyễn Đỗ Mười. HTX bao gồm 14 homestay và mỗi homestay có sức chứa lên tới 30 khách du lịch, các homestay này nằm trong làng người dân tộc Dao vào được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Dao với móng được kè bằng đá, tường được trình bằng đất dày đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hệ thống cột và khung gỗ bên trong được dùng để phân chia các phòng trong nhà.

Đến với HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ Taigoo, du khách dễ dàng được trải nghiệm một không gian đậm đà bản sắc dân tộc Dao. Cụ thể, khu nhà nghỉ tại gia thể hiện một phần cuộc sống truyền thống của người dân tộc Dao nơi đây. Phía trước nhà là vườn rau xanh ngắt tạo cảm giác yên bình đối lập với cuộc sống thực tại đang không ngừng biến đổi. Với sự tận tình, chu đáo của chủ gia đình, những gian phòng nghỉ giản dị mà thoải mái tiện nghi đang chờ đón, mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm cuộc sống đầy thân thiện, hiếu khách cùng các hoạt động phong phú. Không chỉ sẽ được thưởng thức các món ăn ngay trong gian bếp trước sân nhà với sự chăm lo ân cần của gia đình, các món ăn được chế biến bởi các loại thực phẩm tươi ngon được nuôi trồng tại địa phương mang lại sự đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, du khách còn được ngủ trên tầng 2 ngôi nhà trình tường đặc trưng của người dân Dao nơi đây với các tiện nghi hiện đại như phòng tắm riêng, chăn gối đệm chất lượng sạch sẽ, wifi miễn phí.

Du khách thưởng thức ẩm thực đặc sản cao nguyên đá Hà Giang bên sân ngoài của khu homestay thuộc HTX.

(Ảnh nhân vật cung cấp) 

Ngoài ra, nếu muốn khám phá cuộc sống của người dân địa phương, du khách có thể tham gia vào các hoạt động sống của họ theo cách mà mình cảm thấy thoải mái nhất như: nấu ăn cùng chủ nhà sử dụng các nguyên liệu địa phương; thăm quan Bảo tàng lịch sử của Quản Bạ và nghề thủ công truyền thống; hành trình trekking từ Quản Bạ đến động Lùng Khúy (7km); tham gia hái lá thuốc, lúa, ngô, lá chè và các hoạt động cấy trồng với hướng dẫn của người Dao; trải nghiệm tắm lá truyền thống của người Dao; khám phá xung quanh bằng việc thuê xe đạp; tham gia các buổi lễ truyền thống của người Dao (lễ Cấp sắc, bắt cá, cúng Cơm, Cầu Mùa, lễ Cưới...)

Có thể thấy, với lợi thế là huyện của ngõ Cao nguyên đá có lượng khách du lịch lớn đã giúp cho việc giao thương, buôn bán của các HTX, trong đó có HTX Quản Bạ Taigoo trên địa bàn huyện Quản Bạ phát triển, vừa trực tiếp tạo nguồn thu cho địa phương và là động lực phát triển kinh tế - xã hội…

Được biết, huyện có 48 HTX với 851 thành viên, gồm: 34 HTX nông nghiệp; 3 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 6 HTX xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng; 5 HTX thương mại dịch vụ. Tổng vốn điều lệ của các HTX trên 54,4 tỷ đồng, số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX trên 300 người. Đến nay, có 10 HTX có sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP với tổng số 26 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Các sản phẩm tiêu biểu đạt 4 sao OCOP như: Mật ong bạc hà Cao nguyên đá, ví kính, ví dài, ba lô dệt lanh nhỏ; 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: Mật ong bạc hà, mật ong rừng, mật ong Xuyến Chi; rượu Thanh Vân, Bản Shan trà, Bản Shan Hồng trà, chè Shan tuyết Tùng Vài, trà Giảo cổ lam, cao atiso, trà gừng, trà Kim ngân hoa, bột Thảo quả…

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Đỗ Mười cho biết, những mái nhà sàn ở thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang) đã khoác lên mình một diện mạo mới chỉ sau vài năm làm du lịch cộng đồng. Người Dao ở đây đã dần thay đổi tư duy từ tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế dịch vụ du lịch qua các mô hình hợp tác xã, đem lại cuộc sống ấm no.

Kể từ năm 2012, được tỉnh Hà Giang phát động triển khai, huyện Quản Bạ tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn thôn Nặm Đăm xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đến nay, qua hơn 10 năm triển khai Làng văn hóa du lịch cộng đồng, Nặm Dăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, để đẩy mạnh quảng bá, tạo sự chuyên nghiệp, đồng bào Dao ở Nặm Đăm đã tham gia vào HTX.

 

Anh Nguyễn Đỗ Mười cùng một du khách nước ngoài, khách hàng đăng ký dịch vụ khám phá "cung đường phượt Hà Giang  bằng xe máy". (Ảnh nhân vật cung cấp)

 

Qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến năm 2022, du lịch Quản Bạ đã có nhiều khởi sắc khi số lượng khách trong nước và quốc tế đến địa phương tăng trở lại. Để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững, anh Mười đã xác định loại hình du lịch khám phá, du lịch cộng đồng là hướng phát triển trọng tâm; do đó, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa kết hợp với khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch được anh Mười cùng các cộng sự của mình rất quan tâm.

Song song, anh cũng tích cực quảng bá xúc tiến du lịch, tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với địa phương, góp phần tạo sinh kế cho người dân. Anh kể: “Cá nhân tôi đang ấp ủ dự án liên kết các hoạt động văn hóa cộng đồng (nhất là các điệu múa dân gian, tập thể theo từng loại hình dân tộc) tại các làng bản trong điểm dừng chân của hành trình khám phá du lịch bản địa kết hợp nhiều phương tiện đi lại, trong đó chủ yếu là xe máy. Tôi hy vọng, với hoạt động này, cùng với ẩm thực đặc sắc của địa phương và cảnh sắc riêng có của Quản Bạ nói riêng cũng như Hà Giang nói chung, bản làng của người Dao, người Mông, người Tày cùng các đồng bào dân tộc thiểu số của chúng tôi sẽ bay cao, vươn xa ra tầm khu vực cũng như quốc tế”.

Dọc theo hành trình khám phá bản địa bằng xe máy cùng chàng thanh niên ấp ủ khát vọng du lịch bản làng cộng đồng bền vững này, chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực và ước mơ cùng những dự định mà anh cùng các cộng sự của mình đang ngày đêm xây dựng kế hoạch triển khai, thậm chí đã bắt tay vào triển khai trong thực tiễn, kiếm tìm các điểm dừng chân mới độc đáo, kết hợp văn hóa với ẩm thực bản địa đặc sắc. Tin rằng, mô hình du lịch cộng đồng bản làng đậm vị dân tộc của chàng thành niên đó sẽ lan tỏa sâu rộng và bay cao, bay xa./.

Hà - Lan

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/chang-trai-tay-mang-khat-vong-quang-ba-que-huong-676827.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.