Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giữ ở mức ổn định
Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng 2024 Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 ổn định. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm so với tháng trước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%, nằm trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 8/2024. (Ảnh: HNV)
10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%, nguyên nhân do trong tháng 8/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp; nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,15%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Lễ Vu lan và trong mùa du lịch cao; nhóm giáo dục tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do chi phí nhân công tăng; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05% do nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Riêng nhóm giao thông giảm 1,98%.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ 2023. Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng cục Thống kê cho biết, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/8/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.495,53 USD/ounce, tăng 3,63% so với tháng 7/2024. Giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể hạ lãi suất vào tháng 9, cùng với đó xung đột địa chính trị trên thế giới và nhu cầu từ các Ngân hàng Trung ương đã đẩy mạnh hoạt động mua vàng như một tài sản bảo đảm an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 1,93% so với tháng trước, tăng 20,4% so với tháng 12/2023, tăng 31,05% so với cùng kỳ 2023; bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 25,54%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 27/8/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,38 điểm, giảm 1,97% so với tháng trước. Trong nước, tỷ giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.329 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2024 giảm 0,64% so với tháng trước, tăng 3,55% so với tháng 12/2023, tăng 5,86% so với cùng kỳ 2023; bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 5,85%./.
Hà Anh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/chi-so-gia-tieu-dung-thang-8-giu-o-muc-on-dinh-676835.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 diễn ra từ 20 đến 24/11 tại Hà Nội
- 260 đơn vị tham gia Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3
- Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến cách chi tiêu trong thời kỳ kinh tế biến động
- Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2025
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố
- Tổng vốn FDI 9 tháng tăng mạnh
- Đồng bộ các giải pháp để quản lý và ổn định thị trường vàng