Chương trình MTQG tạo đột phá phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La
Triển khai bài bản, linh hoạt và sát thực tiễn, các Chương trình Mục tiêu quốc gia tại Sơn La đang phát huy hiệu quả vượt trội, tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy sức mạnh từ chính sách thiết thực
Trong hành trình phát triển bền vững, tỉnh Sơn La đã và đang khẳng định quyết tâm chính trị cao trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025). Những kết quả đạt được không chỉ là minh chứng sinh động cho sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mà còn là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận, niềm tin và nỗ lực tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn được hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 1719.
Xác định nguồn lực từ các Chương trình MTQG là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở những vùng còn nhiều khó khăn, tỉnh Sơn La đã huy động tổng lực, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh để thực hiện 3 chương trình MTQG lên tới hơn 4.320 tỉ đồng. Riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719), đến tháng 3/2025, đã hỗ trợ đất ở, xây dựng và cải tạo nhà cho 640 hộ dân; hoàn thành 85 công trình cấp nước tập trung phục vụ hơn 8.200 hộ dân; xây mới, cải tạo trên 160 công trình giao thông nông thôn, 190 nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Giảm nghèo bền vững - Cốt lõi của phát triển
Thông qua Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sơn La đã đầu tư xây dựng hơn 50 công trình hạ tầng, duy tu gần 90 công trình thiết yếu; hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, kết nối việc làm cho hơn 70.600 lao động; đào tạo nghề cho hơn 7.800 lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn khoảng 19,23% vào năm 2024, cho thấy những chính sách đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Người dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, phát triển thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tỉnh cũng đạt được nhiều chỉ số tích cực: 98,53% số xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, 96,9% hộ dân có điện sử dụng an toàn, 42% dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch, 100% người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Những điểm sáng từ cơ sở: Thuận Châu và Quỳnh Nhai bứt phá
Tại huyện Thuận Châu, một trong hai huyện nghèo của tỉnh, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,1%, hộ cận nghèo còn 9,7%. Đáng chú ý, địa phương đã triển khai đồng bộ các dự án hỗ trợ sản xuất chăn nuôi thông qua 38 dự án nuôi bò sinh sản với tổng số 3.800 con. Đến nay, gần 1.800 con bò giống đã đến tay người dân với tổng kinh phí hơn 40 tỉ đồng. Các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi được tổ chức thường xuyên, đảm bảo bà con được hướng dẫn tận tình để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ.
Tương tự, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai 10 dự án của Chương trình 1719 với tổng vốn hơn 187 tỉ đồng, tập trung vào các mô hình chăn nuôi, trồng dược liệu, đào tạo nghề, phát triển thiết chế văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc… Năm 2025, huyện tiếp tục được giao hơn 100 tỉ đồng để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển sinh kế bền vững, hỗ trợ người dân đa dạng hóa sản xuất.
Những câu chuyện từ cơ sở đã phản ánh chân thực hiệu quả của chính sách. Như gia đình anh Tòng Văn Thẩn (bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh), từ một hộ nghèo năm 2021, nhờ vay vốn mua bò sinh sản, chăm chỉ chăn nuôi và trồng ngô làm thức ăn, đến năm 2024 đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây được nhà mới và đảm bảo điều kiện học tập cho con cái.
Vùng chè nguyên liệu xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La.
Kết quả khả quan của Sơn La không chỉ là con số, mà là chất lượng sống, là niềm tin và động lực phát triển cho đồng bào. Việc lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình, dự án đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, từng dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% vào cuối năm 2024; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% xuống 10,9% trong cùng kỳ.
Tỉnh Sơn La đang vững vàng trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số no ấm, tiến bộ, bình đẳng, văn minh. Kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để tỉnh bước sang giai đoạn II (2026-2030) với tâm thế chủ động, bản lĩnh và quyết tâm cao, bảo đảm mọi người dân - không phân biệt dân tộc - đều được thụ hưởng thành quả phát triển, sống trong môi trường an toàn, hạnh phúc và bền vững.
Ngọc Anh
(theo baovephapluat.vn)
Nguồn:https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/chuong-trinh-mtqg-tao-dot-pha-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tinh-son-la-178152.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Người lao động không được mang sản phẩm chứa 'sibutramine' sang Đài Loan (Trung Quốc)
- Thời tiết ngày 21/5: Cảnh báo nắng nóng khu vực Trung Bộ
- Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khoẻ số - Lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng Gen Z thời đại số.
- Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên dịp hè năm 2025
- Hội nghị tập huấn: Phổ biến kiến thức pháp luật nhằm tăng cường năng lực cho người lao động khuyết tật
- Thời tiết ngày 19/5: Phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông
- Cảnh báo chiêu trò “lừa đảo” mới bằng việc mạo danh nhân viên điện lực