Menu

Chuyển đổi số, kinh tế số có thể đóng góp tới 3% vào GDP

30/12/2024 08:05:24

Hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm Top 50 toàn cầu. Các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, chuyển đổi số, kinh tế số có thể đóng góp tới 3% vào GDP của các nước đang phát triển.

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị. 

Hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm là chặng đường chúng ta vừa làm vừa khai phá. Chính tinh thần đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào nhóm nhanh nhất trong khu vực và thế giới.

Năm 2025 là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc để trở thành nước phát triển. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào Top 100 toàn cầu. Hiện nay Việt Nam xếp hạng khoảng 120.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm Top 50 toàn cầu, tức là cao gấp đôi xếp thứ hạng về kinh tế. Đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra cho ngành Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Về Bưu chính, Việt Nam đang xếp hạng quốc tế thứ 31, hướng đến mục tiêu lọt vào top 20 toàn cầu.

Về viễn thông, Việt Nam đang xếp hạng thứ 72, nhưng tăng bậc khá nhanh. Cách đây 6 năm, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 108; 6 năm qua tăng 36 bậc, mỗi năm tăng trung bình 6 bậc. Với tốc độ này, năm 2030, viễn thông Việt Nam sẽ vào nhóm top 50 toàn cầu, nếu tích cực hơn nữa thì sẽ vào nhóm top 40.

Về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam đã đạt 2MW/1 triệu dân, mặc dù chưa có đầu tư nước ngoài về trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang là top 60 toàn cầu. Nếu thu hút được các Big Tech đầu tư vào trung tâm dữ liệu và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trung tâm dữ liệu, đến 2030, Việt Nam có thể vào nhóm top 30 toàn cầu.

Về an toàn thông tin mạng, Việt Nam đang có thứ hạng cao, xếp thứ 17 toàn cầu; hướng đến mục tiêu vào nhóm top 10 toàn cầu.

Về công nghiệp công nghệ số, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số: thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử; thứ 7 thế giới về gia công phần mềm. Về tổng thể, ngành công nghiệp công nghệ số, xét cả khía cạnh tỷ lệ giá trị trong tổng doanh thu, Việt Nam đã vào top 20. Tiếp tục duy trì thứ hạng cao, phấn đấu vào nhóm top 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam đang là 32% lên 50% vào năm 2030.

Về kinh tế số, Việt Nam đang xếp thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số/GDP, nhưng cũng tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đã gần 19%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%. Mục tiêu kinh tế số chiếm 30-35% GDP vào năm 2030, khi đó, Việt Nam sẽ lọt vào nhóm top 30 toàn cầu.

Về Chính phủ điện tử/Chính phủ số, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 71, tăng 15 hạng sau 2 năm. Nếu đạt mục tiêu 80% dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp là trực tuyến toàn trình vào năm 2025, như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì không cần đến năm 2030, chỉ cần đến năm 2028 là Việt Nam sẽ vào nhóm top 50 toàn cầu về Chính phủ điện tử/Chính phủ số. Chúng ta đặt mục tiêu năm 2030 sẽ vào nhóm top 40 toàn cầu về Chính phủ điện tử/Chính phủ số.

Như vậy, vào năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam phải lọt vào nhóm top 50 toàn cầu, một số lĩnh vực vào top 20-30. Đây là sứ mệnh cao cả. Sứ mệnh đi trước, đi nhanh, lọt vào nhóm các nước phát triển, để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước, cho chuyển đổi số, cho phát triển kinh tế số, xã hội số...

Phát triển hạ tầng số, ứng dụng mạnh mẽ AI để tiến vào kỷ nguyên mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận những kết quả đã đạt được của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm qua. Những kết quả, con số được thể hiện trong báo cáo đã thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành: Chính phủ điện tử năm 2024 của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 (79%). Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 94 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (85,7 thuê bao/100 dân)…

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần nhìn nhận lại nhiều thách thức. Điển hình như, việc thay đổi công nghệ đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật nhanh nhất, đặc biệt là về cơ chế chính sách, phát huy được nguồn lực để đóng góp sự phát triển của đất nước. Có biện pháp ngăn chặn, bảo mật để bảo đảm an toàn và quyền lợi người sử dụng, người tiêu dùng trên môi trường số. Quản lý chặt chẽ để phát triển hệ thống báo chí cách mạng, ngăn chặn được các thông tin xấu độc, thông tin bịa đặt trên nền tảng số thông qua các biện pháp về công nghệ, pháp luật, quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Năm 2025 và thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực đổi mới, sáng tạo, khắc phục hạn chế, thách thức, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực Chính phủ, ứng dụng mạnh mẽ AI, đẩy mạnh công nghiệp số, góp phần thực hiện mục tiêu tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên hùng cường dân giàu nước mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là Nghị quyết quan trọng, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông phải đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi để tạo đột phá về nguồn lực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây cũng là "kim chỉ nam" cho hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian tới.

Đồng thời, ngành cần quan tâm đẩy mạnh công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để đẩy mạnh kinh tế số phát triển; tuyên truyền cho người dân nội hàm của kinh tế số để tập trung phát triển. Thời đại hiện nay là của công nghệ AI, trong đó công nghệ phải đi kèm Big Data, Blockchain, điện toán đám mây, hạ tầng kỹ thuật số, cách thức quản lý, kỹ năng lao động...

Ngành cũng cần tập trung đấu tranh với thông tin xấu, độc bởi nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới; tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông. Thời gian tới, Luật Báo chí sẽ sửa đổi theo hướng quản lý chặt chẽ, đồng thời thúc đẩy báo chí phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến an ninh mạng, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; quản lý báo chí. Phó Thủ tướng tin tưởng với những thành quả đã đạt được Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025.

Liên quan đến việc thực thi Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sáp nhập, tinh gọn thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Truyền thông, Phó Thủ tướng khẳng định Bộ mới sẽ có sức mạnh mới, sứ mệnh mới và hoạt động hiệu quả hơn. Hai Bộ có "mẫu số" chung đó là công nghệ. Cùng với đôi cánh về thông tin và truyền thông và nhiệm vụ chính là công nghệ, Bộ mới sẽ hoạt động hiệu quả, sâu hơn và mạnh mẽ hơn.

Đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc./.

Đỗ Thoa

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/chuyen-doi-so-kinh-te-so-co-the-dong-gop-toi-3-vao-gdp-687567.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.