Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Với việc phụ nữ chiếm một nửa dân số, một nửa lực lượng lao động, chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số.
Sáng 18/5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam". Hội thảo được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Quang cảnh Hội thảo
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động "Ngày hội phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số" nhân kỷ niệm 134 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với việc phụ nữ chiếm một nửa dân số, phân nửa lực lượng lao động, chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại.
Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, bên cạnh khoảng cách giới về lực lượng lao động trong ngành công nghệ và công nghệ số, còn có không ít các vấn đề kinh tế - xã hội khác đang đặt ra đối với phụ nữ trong tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng từ công nghệ số: Một bộ phận lao động nữ chưa được đào tạo kỹ năng nghề để đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hiện đại; phụ nữ nông thôn, cao tuổi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khó và chậm tiếp cận công nghệ thông tin; quan hệ gia đình lỏng lẻo, thiếu tương tác giữa các thế hệ do khoảng cách số về thế hệ; vấn đề an toàn thông tin, nguy cơ tiếp cận các thông tin sai lệch, độc hại; nguy cơ mất an ninh, an toàn về bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư bị xâm phạm; phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại trên không gian mạng...
Xác định là tổ chức tiên phong vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời hỗ trợ hội viên, phụ nữ hiệu quả vào tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hội viên, phụ nữ thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm
Chiến lược phát triển tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Các chương trình mục tiêu quốc gia mà Hội tham gia cũng như các Đề án của Chính phủ giao Hội chủ trì thực hiện đều đặt ra các yêu cầu, giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động.
Với 29 tham luận của các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý, Hội thảo xoay quanh 2 chủ đề chính gồm: Những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của chuyển đổi số hiện nay; Chuyển đổi số trong hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số.
Các ý kiến đã tập trung cung cấp các thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để Hội xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia; góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về chuyển đổi số, thực trạng công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay; vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam tham gia quá trình chuyển đổi số; những vấn đề đặt ra, các giải pháp, kiến nghị được đề xuất trong thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai công tác Hội và hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số./.
Cẩm Linh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-cua-hoi-lien-hiep-phu-nu-viet-nam-665369.html
Bài viết cùng chuyên mục
- “Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư"
- Khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam
- Phấn đấu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
- Kỳ 5. Đổi mới sáng tạo: Động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam
- Đề xuất nhà khoa học là viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo