CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ
Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
CPI tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước (Ảnh: PV)
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm CPI tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 1,19% so với tháng 12/2023; và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2024 so với tháng trước có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, đáng chú ý nhất là nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 1,95%, chủ yếu do: Giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezen tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Phí học bằng lái xe tăng 0,26%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,47%; dịch vụ trông giữ xe tăng 1,09% do nhu cầu cao. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 10,42%; đường thủy tăng 0,06%; đường bộ tăng 0,13%; xe buýt tăng 0,21% và taxi tăng 0,56% do giá xăng dầu tăng. Riêng giá xe ô tô mới giảm 0,24%...
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Cùng với đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92% do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca viêm phổi, thủy đậu, tay chân miệng… tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,21% do các nguyên nhân: Giá điện sinh hoạt tăng 0,27% (chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 4/2024 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 3/2024) do nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng gay gắt ở các địa phương phía Nam; giá dầu hỏa tăng 1,35% trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,41% do nhu cầu thuê nhà ở tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,29% do giá cát, thép tăng cao theo nhu cầu tiêu thụ…
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trong khi đó, 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, trong đó lương thực giảm 0,63%, thực phẩm giảm 0,18%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%; Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17%, chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ; Nhóm giáo dục giảm 2,93% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 3,32%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Cũng theo Tổng cục Thống kê, cơ bản lạm phát tháng 4/2024 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,93%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Lê Anh
(theo dangcongsan.vn
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/cpi-binh-quan-4-thang-tang-3-93-so-voi-cung-ky-664087.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 diễn ra từ 20 đến 24/11 tại Hà Nội
- 260 đơn vị tham gia Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3
- Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến cách chi tiêu trong thời kỳ kinh tế biến động
- Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2025
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố
- Tổng vốn FDI 9 tháng tăng mạnh
- Đồng bộ các giải pháp để quản lý và ổn định thị trường vàng