Menu

Đà Nẵng, Quảng Nam: Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

18/09/2024 21:51:04

Do ảnh hường của áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão, gây mưa lớn, từ đêm 17 đến chiều 18/9, tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có mưa to khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập cục bộ và ách tắt giao thông do nước rút không kịp.

Từ sáng sớm 18/9, nhiều tuyến đường nội ô TP Đà Nẵng bị ngập, ảnh hưởng đến giao thông. (Ảnh: ĐT).

Tại Đà Nẵng: Mưa lớn làm nhiều địa bàn dân cư từng bị ngập sâu trong những đợt mưa lớn trước đây, rút kinh nghiệm chính quyền và người dân đã chủ động khẩn trương di dời các vật dụng, sẵn sàng phương án đưa người, cơ sở vật chất, của cải đến nơi cao ráo. Trong khi đó, các ngành chức năng tăng cường các biện pháp ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, các cống rãnh, kênh mương thoát nước được khơi thông; cây xanh được chằng chống và cưa cắt cành; kêu gọi, vận động người dân sẵn sàng, chủ động chằng chống nhà cửa, tàu thuyền để ứng phó với bão lũ…

Thông tin từ các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng cho hay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão, từ 0h00 đến 8h30 ngày 18/9 trên địa bàn TP Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 30-60mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn 100mm; độ sâu ngập lớn nhất đến 0,3m, có nơi sâu hơn… làm nhiều đoạn, tuyến đường và một số khu vực dân cư bị ngập cục bộ do nước không thoát kịp.

Trước diễn biến của mưa lớn, trưa ngày 18/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng đã có công văn số 2732/SGDĐT-HC&GDCT cho học sinh toàn TP nghỉ học chiều 18/9 và cả ngày 19/9.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học chiều ngày 18/9 và cả ngày 19/9. Các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế, chủ động quyết định việc đi học của sinh viên.

Các trường có tổ chức bán trú liên hệ với cha mẹ trẻ mầm non, học sinh về thời gian đón con; bảo đảm trẻ mầm non, học sinh được quản lí, chăm sóc tốt ở trường khi cha mẹ chưa thể đến đón.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện Công văn số 2716/SGDĐT-HC&GDCT ngày 17/9/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 của Sở GD&ĐT và chỉ đạo của lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống thiên tai, bão lụt.

Các lực lượng chức năng khơi thông các cống rãnh để nước mưa thoát nhanh, chống ngập. (Ảnh: ĐT).

Trước đó, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 5095-CV/TU về chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2024. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan, địa phương, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá và điều chỉnh các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố, bảo đảm việc huy động các lực lượng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện, trang thiết bị để ứng trực, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức phù hợp như: truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội, tin nhắn, loa truyền thanh, phương tiện thông tin di động… đến người dân, cơ quan, doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bão vệ nhà cửa, tài sản, tính mạng. Tiếp tục rà soát, lập danh sách các hộ dân trong diện phải sơ tán ứng với từng kịch bản thiên tai, nhất là tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, khu vực nhà ở không bảo đảm an toàn; xác định các địa điểm di dời người dân khi có thiên tai, bão lũ và xây dựng phương án bảo đảm hậu cần, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm phục vụ di dời và khu vực có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở, bị cô lập.

Tiến hành kiểm tra, khắc phục ngay những yếu tố mất an toàn của các công trình đê kè, hồ đập, cầu cống, các công trình cao tầng, khu tập thể, chung cư xuống cấp, khu vực phục vụ tránh trú bão và các công trình xung yếu khác...; huy động lực lượng từ thành phố đến phường, xã triển khai việc chằng chống hệ thống cây xanh, nạo vét hệ thống thoát nước, dọn vệ sinh môi trường.

Cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến phường, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai với tinh thần thường xuyên đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện và tương đương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn đến thiệt hại về người và tài sản...

Các tàu thuyền được ngư dân Đà Nẵng và Quảng Nam đưa vào bờ neo đậu. (Ảnh: ĐT)

* Tại Quảng Nam: Trước diễn biến của mưa lớn, sáng 18/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến 5h sáng cùng ngày, Quảng Nam có 206 tàu cá đang hoạt động trên biển.

Theo đó, trong tổng số 2.576 tàu cá của Quảng Nam với 13.520 lao động, hiện còn 206 tàu với 1.942 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, 144 tàu với 761 lao động hoạt động ở vùng lộng, khu vực Hoàng Sa có 25 tàu với 176 lao động, khu vực Trường Sa có 37 tàu với 1.005 lao động.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thông báo kêu gọi 13 phương tiện đang hoạt động tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới vào bờ tránh trú, dự kiến ngày 18/9 các tàu sẽ vào cảng An Hòa (Núi Thành).

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành 2 công điện về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập hợp theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin diễn biến ATNĐ, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển; kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với ATNĐ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại; canh gác, cảnh báo, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở đã được các địa phương, đơn vị và người dân trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai.

UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống; tổ chức vận hành điều tiết các công trình hồ chứa nước theo quy định; chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ./.

Đình Tăng

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/da-nang-quang-nam-chu-dong-ung-pho-voi-ap-thap-nhiet-doi-co-kha-nang-manh-len-thanh-bao-678252.html

 
 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Hội thảo

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển nông nghiệp và tài chính theo hướng xanh, bền vững đang được quan tâm ngày càng nhiều. Việc tài trợ cho chuỗi sự kiện NÔNG NGHIỆP XANH - TÀI CHÍNH...

Khai trương không gian văn hóa lịch sử nghệ thuật 36 phố phường - Nét đẹp Hà Nội xưa và nay

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải…Trong các sách vở, trên các báo đài, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết mến yêu…