Đảm bảo sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch
Theo các đại biểu, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần có quy định để xử lý tình trạng chồng chéo quy hoạch trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm chỉnh quy hoạch cấp trên với quy hoạch cấp dưới, quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch chung...
Sáng 25/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) nêu rõ, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: TL.
Cũng theo đại biểu, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
“Cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện”, đại biểu kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo Luật cũng cần có quy định để xử lý tình trạng chồng chéo quy hoạch trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm chỉnh quy hoạch cấp trên với quy hoạch cấp dưới, quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch chung theo nguyên tắc của Luật Quy hoạch năm 2017.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL.
“Theo đó, quy hoạch cấp dưới không trái với quy hoạch cấp trên để được các cơ có quan thẩm quyền xây dựng thông qua. Quy hoạch chuyên ngành thì không trái với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng chung quốc gia, vùng là được”, đại biểu nêu rõ.
Về nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Điều 7, đại biểu cho rằng cũng còn chưa đầy đủ, thiếu nguyên tắc về tuân thủ kế hoạch sử dụng đất hằng năm và quy hoạch sử dụng đất theo chu kỳ 5 năm, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng lâu dài của
Đối với việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cơ bản thống nhất với quy định này và cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ… và không phải người dân nào cũng hiểu rõ và trình độ dân trí chưa có sự tương đồng.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Để có được quy hoạch tốt, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh được hình thức trong việc lấy ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ngoài việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn như dự thảo, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến, chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư để người dân có ý kiến.
Từ những bất cập quy hoạch trong thực tiễn hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị dự thảo luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, các tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội... để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại Luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, các điều luật trên đã đề cập đến việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quy hoạch nhưng chưa có cơ chế rõ ràng về việc phản hồi và xử lý các ý kiến này. Do vậy, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý phản hồi lại cho cộng đồng và cũng đề nghị nghiên cứu cần bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch để đảm bảo minh bạch và đồng thuận, thuận lợi hơn trong quá trình triển khai quy hoạch./.
Vy Anh
theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/phap-luat/dam-bao-su-thong-nhat-tranh-tinh-trang-chong-cheo-trong-quy-hoach-681556.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế
- Rà soát dự thảo các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
- Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền
- Quy định về cấp, đổi lại các loại Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025
- Sửa Luật Đầu tư công: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền