Menu

Đầu tư nhiều hơn cho năng lượng xanh để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn

20/12/2023 09:25:41

Các nhà khoa học cho rằng, các nước cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng xanh bởi xu hướng phương tiện giao thông, máy móc trên toàn cầu đang chuyển dần từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện; cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn.

Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và Giao thông Xanh" diễn ra ngày 19/12. Ảnh: TL

Ngày 19/12, Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và Giao thông Xanh" đã diễn ra tại Hà Nội. Tọa đàm là sự kiện điểm nhấn thứ 3 trong chuỗi hội thảo “Khoa học vì Cuộc sống” do Quỹ VinFuture tổ chức.

Diễn ra ngay sau khi COP28 kết thúc, tọa đàm là nơi gắn kết các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các nỗ lực tìm kiếm và sử dụng hiệu quả năng lượng xanh, cũng như các hành động cấp bách nhằm giảm phát thải và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chủ đề nóng về giao thông xanh, sử dụng năng lượng xanh… đã được các nhà khoa học tên tuổi trên thế giới bàn thảo, đưa ra giải pháp để phát triển một tương lai xanh.

Theo Giáo sư Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, những phát kiến nổi bật trong lĩnh vực giao thông xanh trải dài từ các vật liệu mới giúp cải tiến hiệu suất khai thác và lưu trữ năng lượng tái tạo cho tới điện khí hóa các phương tiện di chuyển.

Giáo sư Soumitra Dutta cũng lạc quan tin rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới. Giáo sư cho rằng, sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số.

Giáo sư Soumitra Dutta nhắc đến vai trò của các công nghệ số trong việc chuyển đổi xanh. Theo ông, nhân loại sẽ thấy rất nhiều sự đổi mới trong tương lai. Thế giới thực sẽ kết hợp với thế giới kỹ thuật số và tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên các phương tiện di chuyển hiện tại, như ô tô, xe tay ga, xe buýt...

“Sự tích hợp của của các phương thức di chuyển khác nhau như ô tô, các phương tiện giao thông công cộng, tàu hỏa và máy bay sẽ diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả hơn nhờ các phương tiện kỹ thuật số”, Giáo sư Soumitra Dutta nhận định.

Còn Giáo sư Kostya S. Novoselov đến từ Đại học Quốc gia Singapore, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010 cho rằng, các nước cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng xanh bởi xu hướng phương tiện giao thông, máy móc trên toàn cầu đang chuyển dần từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện; cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn.

Để tạo ra tương lai xanh, điều quan trọng là cần tìm ra nguồn năng lượng mới. Hiện tại, có nhiều khoản đầu tư khác nhau vào phương tiện giao thông vận hành bằng điện, hy vọng đây là giải pháp trong tương lai xanh.

Giáo sư Kostya S. Novoselov cho rằng: “5 năm tới là thời điểm vô cùng quan trọng và thú vị với ngành khoa học vật liệu. Chúng ta có 5 năm bùng nổ và chứng kiến sự thay đổi toàn cầu về các năng lượng, vật liệu mới”.

Giáo sư Daniel Kammen (ĐH California, Berkeley, Hoa Kỳ) cũng cho rằng để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì cần phải có khung pháp lý rộng mở hơn.

Giáo sư Daniel Kammen nêu vấn đề: "Cần tạo ra sự chuyển dịch đảm bảo công bằng. Yếu tố công bằng cần lồng ghép vào quá trình chuyển đổi xanh".

Đưa ra giải pháp để các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội phát triển năng lượng xanh, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Mỹ) - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture nhận xét: "Chính sách đâu đó có khi còn chưa sẵn sàng. Ví dụ như lắp điện mặt trời áp mái tại các gia đình. Khi muốn người dân lắp thì phải có chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo đó".

"Rào cản với chuyển đổi xanh ở Việt Nam là hiện có ít công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, vận chuyển… Việc ta thuyết phục doanh nghiệp đầu tư hơn vào năng lượng sạch cũng là thách thức. Đó là vì sao cần kiện toàn về chính sách", GS Nguyễn Thục Quyên đánh giá.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học cũng nhận định, thách thức trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển giao thông xanh, chuyển dịch năng lượng…, không chỉ liên quan đến các giải pháp công nghệ mà còn phụ thuộc vào các chính sách, nỗ lực phát triển xanh trên thế giới và từng quốc gia. Các nhà khoa học cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần sự hợp tác giữa các bên để gỡ bỏ những rào cản và xây dựng một tương lai bền vững dựa trên sự hợp tác toàn cầu./.

Bích Liên

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/dau-tu-nhieu-hon-cho-nang-luong-xanh-de-tao-ra-tuong-lai-xanh-hoan-toan-655910.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.