Menu

Đề xuất 6 trường hợp ngân hàng bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”

16/01/2024 09:35:22

Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Chiều ngày 15/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X), có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện ngay và kịp thời việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (TCTD). Có ý kiến đề nghị quy định đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt trường hợp số lũy kế của TCTD lớn hơn 50% vốn điều lệ của TCTD đó. Ý kiến khác cho rằng giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định tại thời điểm áp dụng kiểm soát đặc biệt. Đề nghị quy định rõ trường hợp nào phải kiểm soát đặc biệt và trường hợp NHNN xét thấy TCTD được can thiệp sớm mà không có khả năng phục hồi, thì đưa vào kiểm soát đặc biệt. Có ý kiến đề nghị giao cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc NHNN thực hiện những giải pháp đặc biệt ngoài tiền lệ với mục đích bảo đảm an toàn hệ thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: QH.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;

2. Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;

3. Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm;

4. Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

5. Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;

6. Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các TCTD hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Về giới hạn cấp tín dụng, có ý kiến đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể, đồng thời, giao Chính phủ quy định lộ trình này. Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Liên quan đến các biện pháp can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Có ý kiến đề nghị phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện TCTD không đáp ứng được những yêu cầu, quy định của NHNN thì phải đề xuất kiểm tra, thanh tra và giám sát, thậm chí là kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD này.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn…/.

Vy Anh

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/phap-luat/de-xuat-6-truong-hop-ngan-hang-bi-dua-vao-dien-kiem-soat-dac-biet-657908.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.