Đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” tôn vinh di sản thi ca dân tộc
Đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” mang đến cho công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của dân tộc cùng những tác phẩm tiêu biểu về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam.
Tối 24/2 (ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn), Đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” đã diễn ra trang trọng, sâu lắng tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự và đánh trống mở màn Đêm thơ.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự Đêm thơ.
(Ảnh: hanoimoi)
Phát biểu khai mạc Đêm thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định vai trò của thi ca đối với lịch sử và bản sắc của dân tộc Việt Nam. “Có một dân tộc nhỏ bé và khiêm nhường trên thế giới rộng lớn, mang tên Việt Nam. Nhưng đấy là một dân tộc cần cù trong lao động, khát vọng trong sáng tạo. Một dân tộc đầy lòng kiêu hãnh, một dân tộc luôn mang giấc mơ lớn về tự do và dâng hiến cho tự do của dân tộc mình bằng cả máu. Một dân tộc đã làm ra một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ. Và thơ ca là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ mong muốn, các nhà thơ cùng nhau cất lên "Bản hòa âm đất nước", để thơ ca mang khát vọng của cái đẹp và tự do đến với mọi người, để những người yêu thơ đón nhận vẻ đẹp của thơ ca Việt Nam, để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tin thần của con người Việt Nam.
Đêm khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. (Ảnh: hanoimoi)
Sau nghi thức đánh trống khai mạc, Đêm thơ mang tên “Bản hòa âm đất nước” chính thức bắt đầu gồm các phần: Thơ và tác giả dân tộc vùng núi phía Bắc; Thơ và tác giả quốc tế, với sự tham gia đọc thơ của các nhà thơ đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc; Thơ và tác giả miền Trung và Nam Trung Bộ; Thơ và các tác giả đến từ Nam Trung bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên.
Điểm đặc biệt nhất của đêm thơ khai mạc Ngày thơ năm nay là sự gặp gỡ của các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Các tác phẩm thơ được thể hiện với nhiều hình thức như ngâm thơ, bình thơ, biểu diễn ca khúc, múa, trình diễn nghệ thuật… đem đến nhiều trải nghiệm đặc biệt với công chúng.
Các tác phẩm được trình diễn trong đêm thơ là các truyện thơ, sử thi: “Bách điểu bách hoa” của dân tộc Tày; “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường và “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái... Đây là những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Đêm thơ là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục... song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, các nghệ sỹ, với mong muốn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc của các nhà thơ dân tộc cho khán giả.
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, công chúng được tham quan các không gian Nhà ký ức, Quán thơ, Đường thơ... có thiết kế độc đáo, mới lạ, mang ý nghĩa về "Bản hòa âm đất nước" theo chủ đề của Ngày thơ năm nay./.
HN
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dem-tho-ban-hoa-am-dat-nuoc-ton-vinh-di-san-thi-ca-dan-toc-660026.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024