Menu

Gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử: Lòng tri ân từ trái tim dân tộc

24/07/2025 15:10:54

Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025 không chỉ là sự kiện tri ân, mà còn là điểm kết nối giữa quá khứ vẻ vang và hiện tại đổi mới. Những lời chia sẻ, những ánh mắt, nụ cười và cả giọt nước mắt xúc động đã góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, khơi dậy khát vọng phát triển và bồi đắp giá trị nhân văn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành dự chương trình.

Ngày 24/7, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, UBND TP. Hà Nội tổ chức Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự chương trình.

Cùng tham dự cuộc gặp mặt còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên cả nước.

Đặc biệt là 250 đại biểu tiêu biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với cách mạng qua các thời kỳ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cả nước có trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học... 

Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử hôm nay là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" đã được gìn giữ và phát huy qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, là dịp để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ người có công với cách mạng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 78 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và nhân thân.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Trên 41.800 căn nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công. Trong gần 2 năm qua, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, kết quả cơ bản hoàn thành trên 41.800 căn nhà, từ ngân sách nhà nước là 1.970 tỷ đồng và các nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Từ đầu năm 2025, trong những dịp Tết và các ngày Lễ lớn của dân tộc, chăm lo cho người có công với cách mạng là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, trân trọng, mang đến những tình cảm ấm áp đối với người có công với cách mạng và thân nhân với số tiền hỗ trợ cho người có công trên 1.400 tỷ đồng cho 3,26 triệu người. Đã hỗ trợ Sổ tiết kiệm cho người có công từ năm 2019 đến nay trên 57.000 sổ với tổng số tiền tiết kiệm là trên 124.000 triệu đồng.

Đáp lại nỗi mong chờ của các gia đình có công với cách mạng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện với quyết tâm cao nhất. Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện với ý nghĩa là một trách nhiệm, bổn phận đạo lý thiêng liêng. Có 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước được đầu tư xây dựng, tu bổ trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh và người có công được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu cả về điều kiện vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách.

Điều đáng trân trọng là tri ân người có công với cách mạng đã trở thành một giá trị bền vững trong tâm thức, trách nhiệm hành động cao đẹp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng tiếp tục được tổ chức thường xuyên, với hình thức phong phú, nội dung thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Đến nay có trên 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú. Đây là kết quả quan trọng vừa thể hiện sinh động chủ trương của Đảng đã đi vào thực tiễn cuộc sống cho người có công trên cơ sở các chính sách của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội đối với người có công.

Đặc biệt, điều vô cùng cảm phục và trân trọng những người có công, những thương binh, bệnh binh dù mang trên người vết thương chiến tranh vẫn luôn giữ khí chất anh hùng, sống có ích, giàu nghị lực, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ đất nước noi theo. 

"Họ đã viết nên những trang sử đẹp trong thời bình, những đóng góp âm thầm nhưng to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước", Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh sự lãnh đạo và đồng hành, sẻ chia, ủng hộ với các phong trào đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, ý nghĩa đã thể hiện sâu sắc, cụ thể tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng, trở thành nét đẹp văn hóa, hợp thành sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại biểu tham dự Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025.

Chính sách ưu đãi người có công: Hướng đến sự toàn diện, hiện đại và nhân văn

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nỗ lực tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách đối với người có công theo hướng phục vụ, hiện đại, toàn diện, bao trùm, hiệu quả và nhân văn; thực hiện đầy đủ và hiệu quả định hướng về chính sách đối với người có công theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. 

Đó là "Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội". 

Tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn", lan tỏa giá trị tinh thần tri ân và trách nhiệm công dân đối với người có công với cách mạng, góp phần bồi đắp giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, nghĩa tình nhân văn, nhân ái. 

Đồng thời nỗ lực hơn nữa trong tìm kiếm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ khi vẫn còn đó 200 nghìn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin để xoa dịu nỗi đau mòn mỏi chờ đợi thông tin của những người mẹ, người vợ và gia đình liệt sĩ; thường xuyên tôn vinh, biểu dương, lan tỏa giá trị cống hiến của người có công trong xã hội, tạo điều kiện để người có công tiếp tục đóng góp cho cộng đồng, trở thành nguồn cảm hứng giáo dục truyền thống yêu nước và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thu Giang

 

(theo baochinhphu.vn)

Nguồn: https://baochinhphu.vn/gap-mat-nguoi-co-cong-nhan-chung-lich-su-long-tri-an-tu-trai-tim-dan-toc-102250724104147082.htm

Bài viết cùng chuyên mục

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Idea & Startup Make in Vietnam tham gia Lễ hội khởi nghiệp Ấn Độ

Từ ngày 3 đến 5/4/2025, Ấn Độ tổ chức Lễ hội khởi nghiệp - Startup Mahakumbh tại New delhi. Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác...