Giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trên phạm vi cả nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước.
Sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Tập trung 4 nội dung giám sát chính
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, nội dung giám sát tập trung vào 04 nội dung chính.
Cụ thể, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo Kế hoạch, đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; các Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông...). Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm: Một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố; Các cơ quan, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực: cơ sở đào tạo một số khối ngành trọng điểm, chất lượng cao (như sức khỏe, sư phạm chất lượng cao, luật, kinh tế, kỹ thuật...; một số trường chuyên, trường năng khiếu đào tạo nhân tài...); một số cơ sở giáo dục, đào tạo đặc thù (khối công an, quân đội; cơ sở đào tạo tạo nguồn đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...).
Cơ quan, tổ chức sử dụng lao động: một số cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội.
Phạm vi giám sát là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).
Đoàn Giám sát dự kiến sẽ tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh.
"Giám sát ít nhưng làm sao thật sự chất lượng"
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, UBTVQH, Quốc hội rất quan tâm vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, theo đó tập trung sâu vào vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực để phát hiện những mặt mạnh, những việc làm được trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian qua; đồng thời thấy được những hạn chế để từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Đánh giá đề xuất về tiêu chí của các địa phương giám sát là hợp lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề cương báo cáo kết quả giám sát cần có phân tích, dự báo, đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho phù hợp. Cùng với đó, phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng đã ban hành, xác định những nội dung đã thực hiện, những nội dung đang thực hiện và những nội dung chưa thực hiện, làm rõ lý do vì sao chưa thực hiện cùng những vấn đề dư luận, xã hội, nhân dân quan tâm.
“Các số liệu phải đầy đủ, có bức tranh tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước hiện nay; đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan với các nước trong khu vực và thế giới. Phải nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, trung ương”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các những thành viên Đoàn giám sát phải thực sự trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất, quan điểm đối với kết luận giám sát.
Nhấn mạnh năm 2025 là năm phải tập trung cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ trương của Quốc hội sẽ là giám sát sẽ ít nhưng làm sao thật sự chất lượng.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đoàn giám sát sẽ rút kinh nghiệm từ các đoàn giám sát trước để thực sự đổi mới, thiết thực, nâng cao chất lượng, lấy hiệu quả là chính với phương châm “thà ít nhưng hiệu quả”.
Phát biểu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Đó là, tổ chức các đoàn công tác giám sát trực tiếp hoặc tổ công tác để làm việc trước với các bộ, ngành. Nhiều đoàn, tổ công tác làm việc rất hiệu quả, không ảnh hưởng đến công việc của các đồng chí lãnh đạo. Tổ công tác có thể đi sâu, thời gian lâu hơn, người ít hơn nhưng nếu làm tốt thì lượng thông tin sẽ nhiều hơn.
Nhấn mạnh điều này, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cũng còn tình trạng có đoàn giám sát không tổ chức các tổ công tác. Do đó, tới đây khi sửa đổi luật về giám sát sẽ có ý kiến đề nghị nên giao cho Trưởng đoàn quyết định thành lập các đoàn hoặc tổ công tác để làm việc trực tiếp ở bộ, ngành hoặc địa phương.
Vấn đề khác được Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý là cần từng bước hình thành quy định giao cho Trưởng Đoàn giám sát mời hoặc thuê các chuyên gia. Đồng thời phân tích, nếu mời chuyên gia thì ý kiến chuyên gia chỉ có tính tham khảo mà không phải chịu trách nhiệm về pháp luật. Còn nếu thuê chuyên gia thì chuyên gia phải chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình. “Sau này sẽ có định hướng để thuê chuyên gia trong điều kiện biên chế của chúng ta ngày càng giảm. Chúng ta có đội ngũ cán bộ các cấp, các thời kỳ nghỉ hưu rất đông, trí tuệ còn rất minh mẫn” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói./.
Kim Thanh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/giam-sat-ve-phat-trien-va-su-dung-nguon-nhan-luc-tren-pham-vi-ca-nuoc-675515.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Dominicana tăng hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia
- Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Đảng MIU vì lợi ích chung
- Thông cáo báo chí số 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu
- Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brasil lên Đối tác chiến lược