Hào hùng Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn - Chân trần chí thép"
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn - Chân trần chí thép" thể hiện tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay.
Tối 19/5, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, tỉnh Quảng Trị và Binh đoàn 12 tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn - Chân trần chí thép" nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Tham dự Chương trình có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, Binh đoàn 12; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, cựu chiến binh, đông đảo người dân...
Trước khi diễn ra Chương trình, các đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hiến trọn tuổi thanh xuân, chiến đấu, ngã xuống trên mảnh đất này vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn - Chân trần chí thép".
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn - chân trần chí thép" gồm 3 chương: Nơi huyền thoại bắt đầu, Kỳ tích giữa rừng sâu, Viết tiếp bản hùng ca. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, kết hợp với lời bình, hình ảnh tư liệu, giao lưu trực tiếp, Chương trình đã tái hiện những mốc son chói lọi của lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tinh thần kiên cường, bất khuất, kiên trung của quân và dân ta trong suốt 16 năm liền đương đầu với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt với bao hy sinh, mất mát của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn.
Chương trình thể hiện tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay.
Chương trình thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay.
Cách đây 65 năm (ngày 19/5/1959), Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn với đơn vị đầu tiên là Đoàn 559, sau này là Binh đoàn Trường Sơn. Với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước," "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược," Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm nhiều lực lượng, trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn "Ðánh địch mà đi, mở đường mà tiến."
Bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mưa bom bão đạn và mọi thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ thù đã làm nên tuyến giao liên, giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng để chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.
NDND Thu Hiền biểu diễn tại Chương trình.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Tiến Ích (Hội Cựu chiến binh Trường Sơn) cho biết: "Tôi thuộc thế hệ nhập ngũ trước 1975, các đồng chí thế hệ chúng tôi đã chiến đấu, hy sinh và hiến dâng cả tuổi xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đấy là niềm tự hào của chúng tôi. Hôm nay, tôi đến đây với cảm xúc dâng trào, tôi sẽ tiếp tục giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn. Đặc biệt, tôi sẽ góp phần giáo dục các thế hệ con cháu của chúng tôi, noi gương các anh hùng liệt sĩ, đã chiến đấu, hy sinh ở đây, để các cháu tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Bộ đội Trường Sơn…”
Bà Nguyễn Thị Bình (trú tại thành phố Hồ Chí Minh), cựu chiến binh Đoàn 559 chia sẻ: "Một thời các cô đã sống, chiến đấu cùng các đồng đội ở Quảng Trị, đây được xem như quê hương thứ hai của các cô, các chú. Mỗi lần về thăm chiến trường, về thắp nhang tại các nghĩa trang Trường Sơn, lúc nào các cô cũng rất xúc động, tiếc thương các anh hùng liệt sĩ, đồng đội đã nằm lại nơi đây. Ước mơ của các cô là mỗi năm còn sức khỏe, để được về tri ân các anh hùng liệt sĩ, được thắp nhang và hát cho các anh, đồng đội của các cô nghe...".
Chương trình đã tái hiện những mốc son chói lọi, lịch sử hào hùng của dân tộc ta
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Trường Sơn - Chân trần chí thép” đã tái hiện những tháng ngày oanh liệt, hào hùng của toàn dân tộc 65 năm trước. Qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân./.
Tin, ảnh: Hoàng Oanh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hao-hung-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-truong-son-chan-tran-chi-thep-665427.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024