Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào phấn đấu sớm cán mốc 5 tỷ USD
Với quyết tâm chính trị, sự ủng hộ, tạo điều kiện của hai Đảng, hai Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu kỹ thị trường, chính sách pháp luật của Lào, đề xuất các ý tưởng đầu tư và "chuyển hóa" ý tưởng thành các dự án cụ thể, góp phần hiện thực hóa tiềm năng hợp tác kinh tế, sớm đưa hợp tác đầu tư giữa hai nước đạt 5 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu kỹ thị trường, chính sách pháp luật của Lào, đề xuất các ý tưởng đầu tư và "chuyển hóa" ý tưởng thành các dự án cụ thể, góp phần hiện thực hóa tiềm năng hợp tác kinh tế, sớm đưa hợp tác đầu tư giữa hai nước đạt 5 tỷ USD - Ảnh: VGP/Thu Sa
Ngày 9/7, nhân chuyến thăm chính thức Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác tham dự toạ đàm "Lãnh đạo Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào với doanh nghiệp". Cùng dự chương trình có Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời trao đổi và đề xuất các giải pháp, định hướng thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Trước toạ đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Saleumxay Kommasith đã có cuộc hội đàm thành công.
Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith kỳ vọng Việt Nam sẽ đứng vị trí số 1 về đầu tư tại Lào, thương mại song phương hai nước phấn đầu sớm đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Thu Sa
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút FDI. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025 và mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, hướng tới nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045.
Đáng chú ý, Việt Nam đang quyết liệt thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Từ ngày 1/7 vừa qua, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Chính phủ Lào tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế Lào - Ảnh: VGP/Thu Sa
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Chính phủ Lào thời gian qua nỗ lực cải cách mạnh mẽ và có những thành công bước đầu, tích cực và rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, Bộ Chính trị Lào đã quyết định thành lập Ủy ban Xúc tiến đầu tư để trực tiếp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc đầu tư của các doanh nghiệp.
"Động thái này thể hiện bước tiến cải cách sâu rộng, đúng trọng tâm, thực chất, hiệu quả của Lào", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cho rằng tiềm năng của Lào rất lớn, Phó Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu, tham gia đầu tư, như năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; khai khoáng; nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và ngành cao su.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Chính phủ Lào tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế Lào.
Chúc quan hệ kinh tế hai nước ngày càng gắn bó và gặt hái được nhiều thành công, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam "đã hứa là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đầu tư kinh doanh nghiêm túc, trách nhiệm, đúng chủ trương, quy định pháp luật của nước sở tại, chung tay củng cố, vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào".
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hoá chất Việt Nam Đào Ngọc Cường chia sẻ ý kiến tại toạ đàm - Ảnh: VGP/Thu Sa
Cũng tại toạ đàm, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam: Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Trần Công Kha đề xuất mở rộng các dự án trồng cao su và ứng dụng công nghệ cao tại Lào. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam Đào Ngọc Cường bày tỏ mong muốn Chính phủ Lào hỗ trợ về cơ chế để rút ngắn thời gian phê duyệt báo cáo khả thi, báo cáo tác động môi trường trong thực hiện dự án, tạo điều kiện tuyển dụng lao động phổ thông Lào, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith cho biết, Lào đã và đang tích cực tinh gọn hệ thống hành chính, cắt giảm các thủ tục, cải cách cơ chế xúc tiến đầu tư. Chính phủ Lào thấy được quyết tâm, tâm huyết của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào. Nếu có vướng mắc, doanh nghiệp có thể trực tiếp thông tin và phối hợp với Ủy ban Xúc tiến đầu tư, cũng như các bộ, ban, ngành liên quan để cùng giải quyết.
"Chúng ta hợp tác trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị đặc biệt. Tôi hy vọng hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thực hiện những dự án trọng điểm chiến lược", Phó Thủ tướng Saleumxay Kommasith nhấn mạnh và khuyến khích các nhà đầu tư hai nước trao đổi thường xuyên, hợp lực nhiều hơn nữa.
Khẳng định Chính phủ Lào luôn cởi mở, đón chào doanh nghiệp Việt Nam, mong muốn các nhà đầu tư Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng, Phó Thủ tướng Saleumxay Kommasith kỳ vọng Việt Nam sẽ đứng vị trí số 1 về đầu tư tại Lào, thương mại song phương hai nước phấn đấu sớm đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Thu Sa
(theo baochinhphu.vn)
Nguồn: https://baochinhphu.vn/hop-tac-dau-tu-viet-nam-lao-phan-dau-som-can-moc-5-ty-usd-102250709164716953.htm
Bài viết cùng chuyên mục
- Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương hai cấp
- Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng luận bàn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững
- 6 tháng đầu năm 2025: Vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm
- 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 15%
- Gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW: Kết quả bứt phá với những con số ấn tượng
- Giảm thuế giá trị gia tăng từ 01/7/2025 đến hết 31/12/2026
- Các đối tượng không chịu thuế VAT