Huy động hơn 17.000 tỷ đồng cho xóa nhà tạm, nhà dột nát
Tại Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà thông tin: Đến hết ngày 8/7/2025, đã có 18/34 địa phương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả ba nhóm đối tượng gồm: người có công với cách mạng, hộ dân được hỗ trợ nhà ở theo hai Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện thụ hưởng từ Chương trình phát động toàn quốc.
Sáng ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hơn một nửa số tỉnh, thành hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Từ sau Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo Trung ương đến nay, đã có thêm 7 địa phương (tên địa phương trước sáp nhập) hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát theo đúng kế hoạch đã đăng ký, gồm: Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp và Bắc Giang.
Những kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực cao độ của các địa phương mà còn góp phần quan trọng rút ngắn khoảng cách tới đích chung toàn quốc, Thứ trưởng Nông Thị Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại từ nay đến ngày 31/8/2025 vẫn còn lớn. Cả nước cần tiếp tục triển khai xóa 25.232 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 18.799 căn đang thi công dở dang và 6.433 căn chưa khởi công.
Mỗi ngày cần hoàn thiện 26 căn để 'về đích' đúng hạn
Để hoàn thành mục tiêu đúng hạn, trung bình mỗi địa phương cần thực hiện khoảng 26 căn mỗi ngày, gồm gần 7 căn khởi công mới và khoảng 19 căn hoàn thiện để bàn giao. Phân theo nhóm đối tượng, khối lượng cần hoàn thành cụ thể như sau: 2.371 căn cho người có công với cách mạng (1.249 căn đang xây dựng, 1.122 căn chưa khởi công); 10.266 căn thuộc hai CTMTQG (7.279 căn đang xây dựng, 2.947 căn chưa khởi công); 12.635 căn thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát (10.271 căn đang xây dựng, 2.364 căn chưa khởi công).
Đây là giai đoạn "nước rút", đòi hỏi các địa phương phải huy động tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành để bảo đảm hoàn thành toàn bộ kế hoạch trong khung thời gian rất ngắn còn lại.
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà: 14/34 địa phương sẽ được bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số tiền lên tới 389.218 triệu đồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phân bổ linh hoạt, kịp thời các nguồn lực tài chính
Về kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thứ trưởng Nông Thị Hà cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn lực huy động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã vượt 17.802 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các khoản vận động xã hội hóa. Đặc biệt, chương trình đã thu hút sự chung tay của cộng đồng với hơn 113,4 nghìn lượt người tham gia, đóng góp tổng cộng trên 1 triệu ngày công lao động – một con số thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ trong toàn xã hội.
Riêng kinh phí hỗ trợ từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024, ngày 28/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1403/QĐ-TTg, điều chỉnh phân bổ 975.146 triệu đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 28 địa phương. Tính đến nay, tổng kinh phí từ nguồn 5% đã được phân bổ cho các địa phương thực hiện chương trình lên tới 4.557.773 triệu đồng.
Đối với việc bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở thuộc hai CTMTQG, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 84/CĐ-TTg, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã chủ động tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí từ các địa phương và ban hành Công văn số 1053/BDTTG-PC ngày 26/6/2025, xin ý kiến các cơ quan liên quan gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về phương án phân bổ bổ sung nguồn lực.
Tính đến nay, Bộ Tài chính là đơn vị cuối cùng hoàn tất góp ý cho dự thảo phương án. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, trong ngày 9/7/2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh kinh phí hỗ trợ, sử dụng từ nguồn lực đã huy động thông qua Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và Chương trình phát động toàn quốc, nhằm bù đắp phần chênh lệch đối với nhà ở thuộc hai CTMTQG.
Theo phương án đề xuất, 14 trong tổng số 34 địa phương sẽ được hỗ trợ bổ sung với tổng kinh phí lên tới 389.218 triệu đồng. Cụ thể: Từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương là 82.487 triệu đồng; từ nguồn huy động của Chương trình phát động là 306.731 triệu đồng (gồm: 172.948 triệu đồng từ Ngân hàng ACB và Techcombank; 133.783 triệu đồng từ khoản hoàn trả của các địa phương sau khi thực hiện tiết kiệm và điều chỉnh kinh phí.
Việc phân bổ linh hoạt và kịp thời các nguồn lực này không chỉ tháo gỡ hiệu quả những khó khăn về tài chính, mà còn tạo điều kiện để các địa phương tăng tốc, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ chương trình xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát – một trong những mục tiêu an sinh xã hội trọng tâm của cả nước trong năm 2025.
Tính đến hết ngày 8/7/2025, 18/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 đối tượng người có công, hỗ trợ nhà ở từ CTMTQG và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Chương trình phát động, gồm: (1) Hà Nội, (2) Lai Châu, (3) Sơn La, (4) Lào Cai (Lào Cai, Yên Bái), (5) Quảng Ninh, (6) Bắc Ninh (Bắc Ninh, Bắc Giang), (7) Hải Phòng (Hải Phòng, Hải Dương), (8) Hưng Yên (Hưng Yên, Thái Bình), (9) Hà Tĩnh, (10) Quảng Ngãi (Quảng Ngãi, Kon Tum), (11) Khánh Hòa (Khánh Hòa, Ninh Thuận), (12) Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Phước), (13) Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), (14) Tây Ninh (Tây Ninh, Long An), (15) Đồng Tháp (Đồng Tháp, Tiền Giang), (16) Vĩnh Long (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh), (17) An Giang (An Giang, Kiên Giang), (18) Cần Thơ (Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang).
16/34 địa phương chưa hoàn thành, gồm: (1) Cao Bằng, (2) Tuyên Quang (Tuyên Quang, Hà Giang), (3) Điện Biên, (4) Thái Nguyên (Bắc Kạn), (5) Lạng Sơn, (6) Phú Thọ (Phú Thọ, Hòa Bình), (7) Ninh Bình (Nam Định, Ninh Bình), (8) Thanh Hóa, (9) Nghệ An, (10) Quảng Trị (Quảng Bình), (11) Huế, (12) Đà Nẵng (Quảng Nam), (13) Gia Lai (Gia Lai), (14) Đắk Lắk (Đắk Lắk), (15) Lâm Đồng (Đắk Nông), (16) Cà Mau (Bạc Liêu).
Sơn Hào
(theo baochinhphu.vn)
Nguồn: https://baochinhphu.vn/huy-dong-hon-17000-ty-dong-cho-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-102250709142437467.htm
Bài viết cùng chuyên mục
- Bắc Bộ sắp mưa dông diện rộng, kết thúc đợt nắng nóng
- Quy định mới nhất về đào tạo lái xe
- Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
- Hướng dẫn xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội
- Công bố lãi suất ưu đãi cho người trẻ vay mua nhà ở xã hội
- Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và giảm nghèo bền vững
- Chính thức áp dụng từ 01/7: Bốn Nghị định mới về công chức có gì nổi bật?