Kênh Vĩnh Tế - Công trình chiến lược miền biên viễn phía Tây Nam
Vào thời điểm này 200 năm trước, vua Gia Long đã ban chiếu dụ về việc đào kênh Vĩnh Tế. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ được thi công bằng sức người trong thời gian 5 năm. Công trình là một minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của triều Nguyễn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn.
Theo dòng lịch sử
Vĩnh Tế Hà là dấu ấn lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền biên giới đất liền của vùng Châu Đốc - Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XIX. Công trình này là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược của triều Nguyễn nhằm bảo vệ cương thổ quốc gia, đánh dấu một mốc son lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Với tầm nhìn chiến lược, vua Gia Long đặc biệt quan tâm đến vùng Châu Đốc Tân Cương, phên dậu ở Tây Nam đất nước. Ông muốn xây dựng Châu Đốc thành trọng trấn, kết hợp với Hà Tiên, một trung tâm thương mại, cảng thị quốc tế. Ông quan sát bản đồ và nhận thấy cần phải mở đường sông từ Châu Đốc tới Hà Tiên. Đường sông này nhằm tạo sự tương trợ cần thiết giữa quân bộ và quân thủy trong việc giữ gìn biên cương trước sự tấn công từ bên ngoài, thuận lợi trong giao thông, vận chuyển hàng hóa và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Năm 1816, sau khi xem xét địa đồ miền Châu Đốc, vua Gia Long truyền dụ với các quan rằng: "Đất này mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn"[1]. Tuy nhiên, sau khi suy xét kỹ các yếu tố bên trong, bên ngoài, vua cho chậm việc đào kênh, chờ thời cơ thích hợp.
Kênh Vĩnh Tế chảy qua địa phận tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Sau đó, khi kênh Thoại Hà nối liền từ Long Xuyên đến Rạch Giá được đào xong, vua Gia Long hạ quyết tâm cho việc đào kênh thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên như đã dự liệu trước đây. Tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), sau khi xem xét tình hình và thể theo nguyện vọng của nước láng giềng Chân Lạp, vua Gia Long ban sắc dụ giao quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào kênh, thông từ Châu Đốc đến Giang Thành - Hà Tiên để tháo lũ rửa phèn cho vùng “Châu Đốc tân cương” đồng thời tạo nên một con đường thủy trọng yếu có tính chiến lược trong việc trấn giữ miền biên viễn. Cùng với Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, việc tổ chức đào kênh Vĩnh Tế còn có sự tham gia của Chuởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điền bát Nguyễn Văn Tồn.
Trước khi chiếu lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định và Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại chuẩn bị khởi công, vua Gia Long ban chiếu dụ dân Vĩnh Thanh như sau: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của Nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc, mà thực có lợi cho muôn đời. Vậy nên bảo nhau, đừng sợ khó nhọc”[2].
Theo sử liệu triều Nguyễn, công trình đào kênh Vĩnh Tế kéo dài suốt 5 năm (1819 - 1824) với ba đợt. Ngay đợt đầu, đã huy động trên 10.000 nhân lực. Kênh đi qua nhiều đoạn đất cứng rất khó đào, lại gặp phải thời tiết thất thường của sơn lam chướng khí, việc huy động nhân lực gặp nhiều khó khăn, nạn thú dữ… làm cho công việc có lúc phải gián đoạn hoặc chậm tiến độ. Vì vậy, Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại phải tìm nhiều cách để khắc phục khó khăn, trở ngại.
Hiểu được khó khăn của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, trước khi cho tiến hành kế hoạch đào kênh đợt hai, tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1822), nối nghiệp vua Gia Long, đến vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ tân cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng Đế ta mưu sâu, tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài…”[3].
Sau đó, vua Minh Mạng ra lệnh cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 45.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ hàng triệu mét khối đất đá và có khi phải thay nhau thi công suốt ngày đêm. Nhưng hết mùa Xuân sang mùa hè thì việc đào kênh tiếp tục tạm hoãn vì hạn hán. Với lượng nhân công được huy động lớn như thế, qua 3 tháng thi công, con kênh đào được khoảng 70 km. Công việc chỉ huy dân binh đào kênh Vĩnh Tế giai đoạn 2 kết thúc.
Đợt cuối được tiến hành vào tháng 2 năm Giáp Thân (1824), với chiều dài khoảng 1.700 trượng, từ cuối rạch Giang Thành trở vào tới nơi đã đào xong. Việc đào kênh được tiến hành tích cực với sự hỗ trợ của Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và binh dân lên đến 25.000 người, đào cả ngày lẫn đêm, đến ngày mùng một tháng 5 thì hoàn thành.
Việc đào kênh Châu Đốc - Hà Tiên là một thành quả rất to lớn với số nhân công lên đến trên 80.000 người, thời gian đào kênh suốt 5 năm, từ tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) mới hoàn thành.
Quá trình đào kênh Vĩnh Tế rất khổ cực và nguy hiểm, nhất là những đoạn băng qua “rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí” cùng với thú dữ tấn công, nhiều dân phu gặp nạn, v.v… Tuy nhiên, công tác hậu cần được bà Châu Thị Tế (phu nhân Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại) hết lòng giúp đỡ, thông qua huy động thân nhân của những người trực tiếp đào kênh chăm lo cho người thân của mình. Bà tích cực đứng ra tập hợp thân nhân của những người đang trực tiếp đào kênh cùng nhau chăm lo việc ăn uống, thuốc men, chữa trị cho người thân của họ những lúc bệnh tật, bị tai nạn trong lúc đào kênh hay bị thú dữ tấn công. Dưới sự chăm sóc tận tình, chu đáo của bà đã góp phần động viên tinh thần, thúc đẩy việc đào kênh diễn ra nhanh chóng hơn.
Khi tin vui hoàn thành kênh đào về đến Huế, vua Minh Mạng rất mãn nguyện vì nối được chí Tiên Hoàng (vua Gia Long), liền ban sắc khen thưởng. Nhà vua chiếu lệnh cho quan địa phương tiến hành làm bia dựng ở bờ sông để đánh dấu công lao của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại. Vua Minh Mạng quan sát thấy bên kia bờ kênh mới đào có núi Sam, có phần giống với núi Sập bên bờ kênh Thoại Hà trước kia nên Ngài ban đặt tên kênh Châu Đốc - Hà Tiên là “Vĩnh Tế Hà”, tên núi Sam gần bờ kênh là “Vĩnh Tế Sơn”, làng cạnh núi là “Vĩnh Tế Thôn”.
Kênh Vĩnh Tế hoàn thành có ý nghĩa to lớn tầm quốc gia và quốc tế. Vừa phát triển kinh tế, giao thông, củng cố, giữ vững an ninh biên giới, vừa tạo điều kiện cho dân phiêu tán định cư, khẩn hoang lập làng. Danh thần Thoại Ngọc Hầu chiêu mộ lưu dân đến khẩn hoang lập ấp hai bên bờ kênh Vĩnh Tế. Bên cạnh đó, theo kênh Vĩnh Tế, người Hoa từ Hà Tiên về An Giang ngày càng nhiều, khai mở đất giồng trồng hoa màu, cây ăn trái ở vùng Khánh Hòa, Mỹ Ðức, Long Sơn… Từ đây, một vùng kinh tế - xã hội mới đã mở ra, đúng ý định chiến lược của vua Gia Long và vua Minh Mạng. Năm 1830, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt báo về triều đình rằng đồn Châu Đốc đã lập được 41 xã, thôn, phường, với dân số dân hơn 800 người. Đến năm 1832, dân số đã tăng lên 1.100 người, ruộng đất được 9 thửa và lập thêm được 15 thôn phố mới với hơn 300 người. Đây cũng là thời kỳ mà các làng dọc kênh Vĩnh Tế nói riêng và vùng đất An Giang nói chung đi vào ổn định và ngày càng phát triển.
Để thực hiện chính sách Trung ương tập quyền, xóa bỏ quyền lực các Tổng trấn Bắc Thành và Tổng trấn Gia Định thành, từ năm 1831 vua Minh Mạng cho tiến hành thành lập các tỉnh phía Bắc từ Lạng Sơn đến Quảng Trị xóa bỏ chức Tổng trấn Bắc thành. Ở Nam Bộ, sau khi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng quyết định xóa Gia Định thành và 5 trấn, cho chủ trương thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam vào Nam Bộ, trong đó có tỉnh An Giang.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên ghi nhận 192 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mạng năm thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên, trong đó đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh” gồm Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên”. Tỉnh An Giang lúc bấy giờ bao gồm 2 phủ, 4 huyện. Lỵ sở của tỉnh đặt tại Châu Đốc, nơi Tổng đốc An Hà trú đóng cai quản hai tỉnh An Giang, Hà Tiên.
Tầm nhìn chiến lược của tiền nhân
Vua Gia Long - Quân chủ đầu tiên khẳng định "địa thế Châu Đốc, Hà Tiên không kém Bắc thành". Vì vậy, khi toan tính những vấn đề quốc gia trên vùng biên cương phía Tây Nam, Đức vua đã nhìn tổng thể chính trị, an ninh quốc phòng, cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ, giúp phòng giữ bờ cõi biên cương, phát triển kinh tế và ích lợi cho muôn đời sau.
Nhìn tổng thể, kênh Vĩnh Tế như một chiến hào nhân tạo, dài và rộng, đủ độ sâu cần thiết ngăn chặn âm mưu và hành động xâm lấn của đối phương. Chẳng những khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà dòng kênh còn là một thực thể hiển nhiên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên bình của Nhân dân. Việc thiết kế và thi công tuyến kênh gần dọc biên giới cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của vua quan nhà Nguyễn lúc bấy giờ, để lại cho chúng ta hôm nay một chiến lũy hiên ngang mà thơ mộng giữa vùng trời đất nơi biên cương.
Dòng kênh Vĩnh Tế không chỉ mang nước ngọt phù sa bồi đắp cho đồng ruộng trong vùng Tứ giác Long Xuyên mà còn là tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương
Kênh Vĩnh Tế được xem “mũi kim” khai thông “nguyệt đạo” làm cho mạch máu giao thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên được vận hành trơn tru để kết nối vùng biên giới Tây Nam thành một dải, thiết lập thế trận phòng thủ biên cương, khẳng định chủ quyền đất nước và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình khai hoang, lập ấp. Từ đây, dòng kênh này tạo nên đường sông thông thương, việc biên phòng và việc buôn bán mở mang, thuận lợi.
Kênh Vĩnh Tế còn góp phần tháo chua rửa phèn, đất dần ngọt hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, nhất là trống lúa và thu hút dân chúng đến sinh cơ lập nghiệp, xây dựng thôn ấp, đem lại sự trù phú cho một vùng đất xa xôi, hoang hóa nhưng lại đầy tiềm năng. Ngoài ra, kênh còn góp phần giải quyết vấn đề thoát úng, rửa phèn, cung cấp phù sa cho đồng ruộng, vừa là trục tưới tiêu để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ngoài ra, kênh Vĩnh Tế là minh chứng cho thành tích lớn lao trong sự nghiệp của Danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế, đồng thời cũng là tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân trong "kinh ban tế thế". Trong dòng chảy lịch sử suốt 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế luôn là một biểu tượng hào hùng về một thời mở đất, lập làng gắn liền với bao công lao, xương máu của tiền nhân trong sự nghiệp giữ đất, bảo vệ chủ quyền miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc. Kênh Vĩnh Tế hoàn thành đã đáp ứng yêu cầu xác định chủ quyền lãnh thổ, góp phần giữ vững an ninh biên giới Tây Nam Bộ; tạo thành hành lang chiến lược đảm bảo sự thống nhất không gian chiến lược từ Châu Đốc đến Hà Tiên, làm chỗ dựa cho quan binh nhà Nguyễn trấn giữ biên cương chống lại các cuộc xâm lấn của quân Xiêm, Chân Lạp.
Trong kháng chiến chống Pháp, kênh Vĩnh Tế có vai trò cầu nối giữa chiến trường Đông Nam Campuchia với chiến trường miền Tây Nam Bộ, phá vỡ chiến lược phong tỏa biên giới của địch. Trong thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, kênh Vĩnh Tế là đầu cầu chiến lược cho sự chi viện nhân lực, vật lực của Trung ương về khu Tây Nam Bộ. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, làng mạc cặp theo kênh Vĩnh Tế dù bị tàn phá nặng nề nhưng quân dân Việt Nam vẫn cố bám giữ đất, dựng phòng tuyến phản công địch, giành chiến thắng. Hiện nay, giá trị bảo vệ an ninh, quốc phòng của kênh Vĩnh Tế vẫn luôn được phát huy làm chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế biên mậu, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tuyến biên giới Tây Nam hòa bình, hữu nghị.
Suốt 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế vẫn luôn được xem là quốc sách chiến lược trấn thủ biên cương, khẳng định chủ quyền bờ cõi và là biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Kênh Vĩnh Tế đã minh chứng cho nhiều chiến tích của tiền nhân, nuôi dưỡng biết bao đời cư dân vùng biên viễn và khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia, dân tộc Việt Nam. Đây mãi là món quà vô giá mà tiền nhân để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hướng tới tương lai
Kênh Vĩnh Tế là một công trình lịch sử vĩ đại ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu thế kỷ XIX, là niềm tự hào của triều Nguyễn, được ghi tên vào Cao Đỉnh ở Huế. Trải qua hai thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Trước hết, đó là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa; đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân vùng; cung cấp nước ngọt phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế còn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Về địa lý, kênh Vĩnh Tế nằm trong một khu vực chiến lược vì nó nối liền hệ thống sông Tiền và sông Hậu với biển Tây, tạo thành một tuyến thủy huyết mạch cho cả việc giao thương nội địa và bảo vệ biên giới. Kênh mở ra cửa biển Hà Tiên, một cảng biển quan trọng với tuyến giao thông đường thủy quốc tế, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, mở rộng thương mại và quốc phòng an ninh.
Ngày nay, bên cạnh vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu, cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, kênh Vĩnh Tế còn là tuyến giao thông thủy huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và giao lưu văn hóa.
Quyết định số 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định kênh Vĩnh Tế nằm trên hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến tỉnh Kiên Giang, chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kênh này tạo nên hành lang kinh tế nối liền các cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên, Vĩnh Xương (An Giang) với cảng biển Hà Tiên (Kiên Giang). Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản một cách nhanh chóng và tiết kiệm.
Kênh Vĩnh Tế là sản phẩm của tiền nhân để lại, chứa đựng tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính cấp bách như: Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi trên trục chính là kênh Vĩnh Tế để tạo thuận lợi cho thương mại, tạo ra sự phồn thịnh cho khu vực; xây dựng thêm những hồ lớn để dự trữ nước ngọt cho toàn vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng hệ thống giao thông đường bộ gắn với đường thủy ở hai bên bờ kênh; nâng cấp và mở rộng các cửa khẩu, tăng cường kết nối giao thông, thương mại xuyên biên giới; đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển du lịch sinh thái thủy - bộ miền sông nước gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước hiệu quả; xây dựng các cụm dân cư vùng biên kết hợp với củng cố khu vực phòng thủ vững chắc để bảo vệ biên giới "từ sớm, từ xa",v.v..
Kỷ niệm 200 năm hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế, 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế và 192 năm Ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (22/11/1832 -22/11/2024) là dịp để chúng ta tìm hiểu, ôn lại và tri ân công lao, những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân đối với đất nước nói chung, với vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là đối với vùng đất An Giang nói riêng.
Với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân An Giang sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức; nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết tâm xây dựng quê hương An Giang xứng tầm khu vực và cả nước. Đó chính là việc làm thiết thực nhằm tri ân bậc tiền nhân có công khai mở, vun bồi, bảo vệ vùng đất An Giang - Cương thổ Tổ quốc./.
------------------------------------
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 940.
[2] Đại Nam thực lục tập IV, Chính Biên đệ nhất kỷ III, NXB Sử học- Hà Nội, 1963, trang 390.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập II, Sđd, tr. 239.
TS Lê Hồng Quang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy An Giang
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/kenh-vinh-te-cong-trinh-chien-luoc-mien-bien-vien-phia-tay-nam-683173.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Online Friday 2024: Bước nhảy vọt của hàng Việt trong kỷ nguyên thương mại điện tử
- Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ
- Thúc đẩy hợp tác kinh tế trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những bước đột phá mạnh mẽ
- Bổ sung nhiều quy định về hoạt động thu phí đường bộ
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Brazil
- Tăng hiệu quả quản lý thuế nhờ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền