Khai hội Đền Trần “Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm”
Điểm nhấn của đêm khai mạc Lễ hội đền Trần tại tỉnh Thái Bình năm nay là màn trống hội “Long Hưng - Tôn miếu triều Trần” hội tụ 175 tay trống, biểu thị cho 175 năm trị vì của vương triều Trần và vở diễn bán thực cảnh “Hùng oanh một cõi trời Nam”, trình diễn 3D - Mapping "Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (lần thứ ba)...
Tối 22/2 (tức 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã tổ chức khai mạc lễ hội Đền Trần năm 2024.
Quang cảnh tại đêm khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2024. (Ảnh: KC).
Tham dự lễ khai mạc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và đông đảo du khách thập phương.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 nhấn mạnh: Lễ hội Đền Trần Thái Bình tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, là một hoạt động văn hóa tâm linh đầu xuân tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, mang đậm giá trị nhân văn, dấu ấn văn hóa, có ý nghĩa lịch sử lớn lao, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp Vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử, gắn chặt với Triều đại nhà Trần, là nơi gia tộc nhà Trần dấy nghiệp, cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần.
Đại biểu tham dự lễ hội. (Ảnh: KC)
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhà Trần là một trong những triều đại huy hoàng để lại nhiều chiến công hiển hách với 03 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Sức mạnh của nước Đại Việt thời nhà Trần bắt nguồn từ sức sống mãnh liệt, từ nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, từ lòng yêu nước, chí khí đấu tranh bất khuất, trí thông minh, sáng tạo được tôi luyện trong quá trình chống giặc ngoại xâm vang vọng ngàn năm hào khí Đông A...
Với chủ đề: “Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm”, điểm nhấn của đêm khai mạc năm nay là màn trống hội “Long Hưng - Tôn miếu triều Trần” hội tụ 175 tay trống, biểu thị cho 175 năm trị vì của vương triều Trần và vở diễn bán thực cảnh “Hùng oanh một cõi trời Nam”, trình diễn 3D - Mapping "Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (lần thứ ba), văn nghệ "Khúc khải hoàn ca". Các màn nghệ thuật sinh động, hiện đại đã đưa đến cho nhân dân, đại biểu và du khách nhiều cung bậc cảm xúc ấn tượng về các tích sử thời nhà Trần.
Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2024. (Ảnh: Nguyễn Cường)
Khu di tích lịch sử Lăng mộ và Đền thờ các vị vua Trần tại Hưng Hà, Thái Bình có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Kể từ khi di tích được phục dựng và tôn tạo, Lễ hội tại Đền thờ các vua Trần đã được khôi phục và duy trì vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm, theo đúng định lệ cổ truyền. Điểm sáng văn hóa của lễ hội Đền thờ các vua Trần tại Thái Bình là nhiều lễ thức cổ truyền mang đậm tính nhân văn cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần như tục thi cỗ cá, tục rước nước, tục đấu gậy, tục vật cầu, tục giao chạ giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài, cùng nhiều mỹ tục khác đã được duy trì nghiêm cẩn và bền vững.
Năm 2014, khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; lễ hội đền Trần của tỉnh Thái Bình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 9/2021, quần thể khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể với diện tích 195,01 ha.
Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn tại buổi lễ khai mạc. (Ảnh: KC)
Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 22 - 26/2/2024 (tức từ ngày 13 - 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Phần lễ gồm các nghi lễ truyền thống như: Tế mở cửa đền, lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần, lễ rước nước, lễ bái yết. Phần hội gồm nhiều hoạt động, như: Triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật; trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; thi têm trầu cánh phượng; thi pháo đất; giao lưu các câu lạc bộ Chèo; thi cỗ cá; tổ chức Ngày Thơ Việt Nam; liên hoan hát văn; thi gói bánh chưng; thi viết thư pháp; giao lưu các câu lạc bộ bóng chuyền nam; thi vật cầu; thi kéo lửa nấu cơm cần; thi kéo co; thi cờ tướng.
Tự hào là nơi phát tích của vương triều Trần, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thái Bình đã chú trọng triển khai các hoạt động thiết thực để tôn vinh những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên quê hương, đồng thời tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của Lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp Nhân dân. Việc tổ chức Lễ hội thường niên góp phần quan trọng phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; tạo ra sức bật mới, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình ngày thêm xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với thời đại../.
Kim Chiến
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn:https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/khai-hoi-den-tran-hao-khi-dong-a-tieng-vong-ngan-nam-659942.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024