Khai mạc diễn đàn hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam - Hàn Quốc 2023
Diễn đàn hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 3 là cơ hội trao đổi, chia sẻ nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cũng như chính sách về công nghệ số, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.
Sáng 6/11 tại Hà Nội, Diễn đàn hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam-Hàn Quốc năm 2023 đã chính thức khai mạc. Lần thứ 3 được tổ chức, diễn đàn là cơ hội trao đổi, chia sẻ nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cũng như chính sách về công nghệ số, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.
Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 6 - 7/11, do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Trung tâm hợp tác Công nghệ thông tin Hàn Quốc tại Hà Nội (Cơ quan xúc tiến công nghiệp, công nghệ thông tin Hàn Quốc (NIPA) và Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu khai mạc diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá đây là một không gian đầy triển vọng để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông - một trong những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của cuộc sống và hoạt động kinh tế xã hội.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, bước vào giai đoạn 2021-2030, thế giới tiếp tục chịu sự chi phối của chuyển đổi số. Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cho mọi quốc gia. Công nghệ số, chuyển đổi số đã được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững ở nhiều quốc gia.
Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.
"Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số, là đối tác quan trọng của Việt Nam. Chúng ta có nhiều điểm chung và cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển chính phủ số và nguồn nhân lực số. Trong thời gian qua, hai bên đã có những hoạt động hợp tác cụ thể và thiết thực như công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam, tham vấn xây dựng Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số, triển khai dự án ITCP Việt Nam-Hàn Quốc... Tôi hy vọng rằng, qua diễn đàn này, chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác giữa hai quốc gia, qua đó sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác mới," Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu.
Diễn đàn số Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 3 được kỳ vọng là cơ hội đáp lại sự quan tâm rộng rãi và các nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số của hai nước Việt Nam-Hàn Quốc, như chính sách về công nghệ số, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực và là cơ hội để hai nước tiếp tục hợp tác.
Ông Jeong Sung, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến công nghiệp, công nghệ thông tin truyền thông Hàn Quốc cho biết, cơ quan xúc tiến công nghiệp công nghệ thông tin Hàn Quốc cam kết sẽ luôn nỗ lực sát cánh cùng các cơ quan, tổ chức, tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực chuyển đổi số giữa hai quốc gia.
Quang cảnh diễn đàn.
Tại diễn đàn, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ những định hướng phát triển hạ tầng số quốc gia của Việt Nam. Theo đó, tầm nhìn chuyển đổi số quốc gia được đặt ra đó là đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số. Để thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam, nhân lực số là một yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Trong định hướng phát triển nền tảng số quốc gia, Việt Nam ưu tiên, tập trung phát triển các nền tảng số Make in Viet Nam; Người nắm nền tảng số chính là người duy nhất nắm giữ dữ liệu và trở thành người giàu có nhất; nền tảng số do quốc gia xây dựng và làm chủ sở hữu thì dữ liệu, sự giàu có thuộc về quốc gia.
Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam-Hàn Quốc không chỉ có sự tham gia của lãnh đạo hai bộ chuyên ngành trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc mà còn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI và thực tế ảo đến từ Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ sự kiện, các công ty đã đem tới diễn đàn các gian hàng demo giải pháp trong các lĩnh vực như: Giải pháp AI y tế giúp hỗ trợ chẩn đoán nhanh và chính xác các bệnh lồng ngực, phình mạch não…Giải pháp lưu trữ và truyền ảnh y khoa; Các dịch vụ và nền tảng thành phố thông minh và bảo mật số dựa trên IT, cloud, AI; Giải pháp XR và hệ thống mô phỏng cho phương tiện di chuyển thông minh; Giải pháp tích hợp trong quản lý thành phố thông minh…/.
Tin, ảnh: Đỗ Thoa
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/khai-mac-dien-dan-hop-tac-cong-nghe-thong-tin-viet-nam-han-quoc-2023-651327.html
Bài viết cùng chuyên mục
- “Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư"
- Khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam
- Phấn đấu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
- Kỳ 5. Đổi mới sáng tạo: Động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam
- Đề xuất nhà khoa học là viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo