Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp chuyên đề pháp luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 1 - 2/4/2024 tại Nhà Quốc hội. Trong 2 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV tới đây.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)
Sáng 1/4, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong 2 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 2 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là cho ý kiến vào các dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024) gồm: dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Phòng không nhân dân.
“Trong đó, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trường hợp dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội nhận được đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy định tại một kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, trong đó nội hàm cơ bản nhất của chính sách này là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ lãnh đạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để tiến hành xây dựng hệ thống thang, bảng lương, điều đầu tiên là phải xây dựng được vị trí việc làm. Theo phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét ban hành Nghị quyết để làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương. Phạm vi áp dụng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương; cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Viện Nghiên cứu lập pháp; Tòa án nhân dân Tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Kiểm toán Nhà nước.
“Từ nay đến thời điểm cải cách tiền lương không còn dài, do đó chúng ta phải khẩn trương hoàn thành công việc hết sức quan trọng này”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin thêm, sau Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục họp thêm (ngoài phiên họp thường kỳ tháng 4, tháng 5) để xem xét các dự án Luật còn lại trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy.
Ngay sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)./.
Tú Giang
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/khai-mac-phien-hop-chuyen-de-phap-luat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-662236.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Thông cáo báo chí số 11 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV