Khai mạc triển lãm thư pháp Quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), hướng tới Ngày Di sản Việt Nam, chiều tối ngày 31/8, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc triển lãm thư pháp Quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”.
Cắt băng khai mạc triển lãm.
Triển lãm được tổ chức nhằm giới thiệu và trình diễn nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về thư pháp Quốc ngữ với công chúng yêu nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Sau gần 4 tháng chuẩn bị cho triển lãm, các thành viên Ban tổ chức trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Triển lãm mở ra hướng đi mới cho hoạt động thư pháp Quốc ngữ, tạo sân chơi chắc chắn cho những người yêu loại hình nghệ thuật này”.
Không gian triển lãm là sự kết hợp hài hòa giữ thư pháp với nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng.
Triển lãm được tổ chức với mong muốn tạo ra tiền đề, tạo ra một nền tảng giao lưu và hợp tác giữa các tác giả thư pháp Quốc ngữ hiện đại từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt hướng tới những cây bút trẻ. Triển lãm định hướng sáng tác mới, tư duy nghệ thuật theo hướng mới, tân cổ điển - bán hiện đại, kết hợp giữa kiểu truyền thống và phong cách sáng tác hiện đại, cùng với cách thức tổ chức, trưng bày hiện đại, được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực hơn từ nay về sau cho các triển lãm kế tiếp về thư pháp Quốc ngữ.
Triển lãm trưng bày những tác phẩm thư pháp vừa mang cảm giác truyền thống, đánh thức mỹ cảm hiện đại nhằm tăng cường nhận thức và hướng công chúng tới sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về vai trò, giá trị của thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện đại. Tiếp tục tạo thêm những triển lãm nghệ thuật chất lượng ngày càng cao hơn trong một chuỗi những hoạt động văn hóa nghệ thuật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến quan trọng, ý nghĩa, giá trị hàng đầu cho các hoạt động triển lãm thư pháp.
Các tác giả biểu diễn nghệ thuật thư pháp.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, ngày 14/9, Ban Tổ chức phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề: Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi. Đây sẽ là một chủ đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm không những của những người đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người đang nghiên cứu, học tập, theo đuổi đam mê với phân môn nghệ thuật mới mẻ này.
Tham gia triển lãm gồm 15 tác giả hành nghề thư pháp chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nghiệp dư từ cả ba miền Bắc (8 người), Trung (3 người), Nam (4 người, trong đó có 1 tác giả là nữ). Mỗi người làm một ngành nghề khác nhau, nhưng đều có tình yêu chung với thư pháp chữ Việt và mong muốn được đem tình yêu nghệ thuật ấy chia sẻ và lan tỏa tới nhiều người.
Triển lãm kéo dài đến hết 25/9/2024.
HP
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/khai-mac-trien-lam-thu-phap-quoc-ngu-nghien-but-con-thom-676482.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Phố Trung thu Hàng Mã: Hồi ức tuổi thơ giữa lòng Hà Nội
- Dừng tổ chức Tuần Văn hóa du lịch “Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” năm 2024
- Thúc đẩy tầm nhìn dài hạn cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu
- Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ tổ chức vào tháng 11/2024
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI diễn ra tại Ninh Thuận
- Tôn vinh những nỗ lực lan tỏa tiếng Việt khắp năm châu
- Festival Thu Hà Nội năm 2024 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/9