Khẩn trương tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Tổng kết thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Trong đó, đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần ban hành Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất phương án Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức HĐND ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: KT)
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị trong tương lai.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhưng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố này không giống nhau. Vì vậy, khi ban hành cũng như tổ chức thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, phải nghiên cứu, rút được kinh nghiệm của các địa phương đã thực hiện trước đó.
Việc ban hành thêm một Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng cũng sẽ làm tăng thêm tình trạng thiếu thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị trên cả nước. Lưu ý điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng, các bộ, ngành quan tâm, giúp Hải Phòng tổ chức được chính quyền đô thị một cách thuận lợi, không làm phát sinh những vấn đề như tại một số địa phương vừa qua.
“Chúng ta cũng phải khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước. Nếu không làm như vậy, tới đây có địa phương nào lại đề xuất được áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Quốc hội phải xem xét từng địa phương thì cũng rất khó”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu quản lý, phát triển thành phố Hải Phòng theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp gần nhất.
Nhấn mạnh lại yêu cầu cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm đánh giá, tổng kết thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại 10 địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện, qua đó xem chính sách nào phù hợp, hiệu quả có thể áp dụng chung thì nghiên cứu luật hóa, tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước.
“Quốc hội quyết định vấn đề chung cho cả nước thực hiện, không thể đặc thù cho nơi này mà không đặc thù cho nơi khác. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cân nhắc thận trọng một số chính sách
Phát biểu ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc ban hành nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng là rất cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) phát biểu. (Ảnh: KT)
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo nghị quyết quy định rất nhiều nội dung khác với quy định của pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định: “Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là Ủy ban nhân dân quận”; “Chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố Hải Phòng là Ủy ban nhân dân phường”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 44 và Điều 58 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì: Cấp chính quyền địa phương ở quận gồm có Hội đồng nhân dân quận và Ủy ban nhân dân quận. Cấp chính quyền địa phương ở phường gồm có Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân phường.
Bên cạnh đó, tại Điều 8, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng có quy định: Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân. Vì vậy, theo đại biểu, nếu không phải là Nghị quyết thí điểm mà quy định cấp chính quyền địa phương chỉ có UBND như Dự thảo quy định là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Nội dung khác là về số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng thành phố được bố trí tăng thêm so với quy định chung. Cụ thể, số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuỷ Nguyên không quá 4 người; số lượng Phó Chủ tịch UBND quận không quá 3 người và số lượng Phó Chủ tịch UBND phường không quá 2 người mà không căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính theo quy định của luật tổ chức chính quyền địa phương là chưa phù hợp. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định.
“Từ những ví dụ điển hình nêu trên cho thấy, Dự thảo Nghị quyết có rất nhiều nội dung khác với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, cần phải cân nhắc thận trọng một số chính sách quy định trong dự thảo Nghị quyết” – đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề suất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước./.
Minh Thư
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/khan-truong-tong-ket-toan-dien-mo-hinh-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-681940.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Đồng chí Lê Ngọc Quang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình
- Quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước
- Huy động nguồn lực xã hội để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường, lớp
- Năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt cao hơn mục tiêu đề ra, lạm phát được kiểm soát
- Ông Đỗ Văn Chiến tái cử chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X
- Phụ nữ Việt Nam không ngừng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp
- Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao