Menu

Không gian mới, cơ hội mới cho Internet Việt Nam

23/11/2023 14:32:41

Hội thảo, triển lãm Internet Day lần thứ 11 được tổ chức nhằm tạo ra cơ hội học hỏi và tương tác trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin kết nối và chia sẻ những thông tin công nghệ mới nhất hiện nay.

Ngày 22/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo, Triển lãm Internet Day lần thứ 11 với chủ đề “Không gian mới, Cơ hội mới cho Internet Việt Nam". Đây là hoạt động thường niên của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, theo thống kê của Wearesocial, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam phát biểu khai mạc.

Báo cáo e-Conomy SEA 2023 vừa được Google và Temasek công bố đã nhận định về thị trường Việt Nam với nền kinh tế kỹ thuật số đang trên đà phát triển, và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo trên cũng đã đưa ra dự báo, trong khoảng 2022 - 2025, kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm với quy mô khoảng 49 tỷ USD vào năm 2025.

Các tổ chức quốc tế đang có những đánh giá khả quan đối với sự phát triển của kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam. Với bức tranh suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến sự cắt giảm nhân sự, ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin. Hàng tỷ USD từ các gã khổng lồ công nghệ trên thế NVIDIA, Meta, SpaceX, Foxconn, Samsung, LG, Intel,... đang chuẩn bị ồ ạt rót vào Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở ra một không gian tăng trưởng mới, đặc biệt là cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, tháng 7/2023 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã định hướng 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ vượt xa viễn thông, bao gồm: Điện toán đám mây, nền tảng số, thương mại điện tử, công nghiệp make in Viet Nam và an ninh mạng. Đây sẽ là những không gian tăng trưởng chính của các doanh nghiệp công nghệ số và viễn thông trong 10 năm tới.

Trong bối cảnh trên, hội thảo, triển lãm Internet Day 2023 được tổ chức nhằm mang đến một diễn đàn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, viễn thông trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế về Internet, các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý trong lĩnh vực internet/viễn thông, truyền thông, công nghệ thông tin gặp gỡ, trao đổi góp phần tìm ra các giải pháp tối ưu và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển của internet tại Việt Nam cũng như định hình, chia sẻ và nắm bắt cơ hội của nền kinh tế số Việt Nam đang đầy triển vọng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long và các đại biểu tham quan trình diễn các công nghệ mới.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, chúng ta đang bước vào Internet thế hệ mới với sự bùng nổ của các công nghệ mới như Internet of Things (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, 5G/6G… với kết nối mật độ cao, độ trễ thấp, băng thông siêu rộng.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hoá trực tuyến hàng tuần ở mức cao trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hoá trực tuyến của Việt Nam 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

Đây rõ ràng là cơ hội to lớn mà Internet đã và đang mang lại cho sự phát triển của Việt Nam. Triển vọng phát triển to lớn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh, hạ tầng Internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng Internet và dân số: Chỉ có 5 tuyến cáp quang biển; số lượng và quy mô các trung tâm dữ liệu (TTDL) còn rất khiêm tốn so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia; Điện toán đám mây về cơ bản là bán lại dịch vụ cho các nền tảng nước ngoài; hệ sinh thái kết nối Internet còn nhỏ bé và đơn giản so với các nước tiên tiến trong ASEAN. Ở khía cạnh khác, sự thiếu thốn hạ tầng sẽ là cơ hội vì còn nhiều không gian để phát triển hạ tầng Việt Nam.

Để phát triển không gian hạ tầng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết với chức năng quản lý nhà nước có nhiệm vụ mở không gian bằng chính sách, tạo ra sự phát triển. Bộ TT&TT đã sớm xây dựng các hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, chương trình tạo động lực cho đổi mới và phát triển.

“Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chung tay tổ chức sự kiện nhiều ý nghĩa và giá trị cho cộng đồng Internet Việt Nam suốt 11 năm qua, sự kiện Internet Day để mang đến một diễn đàn uy tín, cổ vũ và thúc đẩy cho sự phát triển của Internet tại Việt Nam. Hội thảo cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận việc thực hiện định hướng và đưa ra các giải pháp triển khai để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Bộ TT&TT đã đề ra” - Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2023 nhằm tạo ra cơ hội học hỏi và tương tác trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin kết nối và chia sẻ những thông tin công nghệ mới nhất hiện nay.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hội thảo, triển lãm Internet Day 2023, phiên hội thảo chuyên môn với chủ đề “Sáng kiến và Cải tiến cho Internet thế hệ mới”, diễn ra chiều cùng ngày, với sự tham dự và phát biểu khai mạc của đạo Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT.

Tại đây, các khách mời là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp CNTT tập trung thảo luận các chủ đề gồm: Thị trường vệ tinh hiện nay (APNIC), Internet thế hệ mới NGI (AMS-IX), Cách thức xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu sẵn sàng cho Gen AI (Google), Mobifone tham gia chuyển đổi số lĩnh vực thanh toán với dịch vụ Mobile Money (Mobifone), Công nghiệp cáp quang biển 2023 (APTelecom), Human-Centric AI: Công nghệ AI lấy con người làm trung tâm (ADT Global), Các giải pháp kết nối Internet trong kỷ nguyên mới (IPTP Networks) và đám mây - Kiến trúc serverless, công nghệ serverless “make in Vietnam” (SUNTECO).

Đồng thời, Hội thảo bàn tròn về Điện toán Đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam cũng sẽ đươc tổ chức song song để thảo luận và công bố “Báo cáo Điện toán Đám mây & Trung tâm Dữ liệu Việt Nam” (VNCDC Report 2023)./.

Tin, ảnh: Đỗ Thoa

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/khong-gian-moi-co-hoi-moi-cho-internet-viet-nam-653111.html

 
 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.