Menu

Kiểm kê đất đai xây dựng hồ sơ địa chính trên toàn TP Hà Nội từ ngày 1/8

01/08/2024 08:11:48

Hà Nội tiến hành kiểm kê đất đai, mục tiêu để cung cấp số liệu chính xác, kịp thời để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thông tin đất đai.

Hoàn thành công tác đo đạc tại 475/489 xã, phường

Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8/2024 đến trước ngày 30/6/2025, Hà Nội tiến hành kiểm kê đất đai và quyết tâm hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trong năm 2025.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai công tác đo đạc, số hóa chỉnh lý bản đồ và xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trên địa bàn 27 quận, huyện, thị xã (trừ các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa đã triển khai Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trước đó). Đến nay, công tác đo đạc đã cơ bản hoàn thành tại 475/489 xã, phường, thị trấn với 20.248 tờ bản đồ. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đã thực hiện tại 290/489 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 30 đơn vị đã nhập dữ liệu trên phần mềm chuyên dụng, 260 đơn vị đang thực hiện kê khai đăng ký…

Tuy nhiên, quá trình kiểm kê, cập nhật dữ liệu đất đai gặp một số khó khăn, như: tài liệu quản lý đất đai từ trước đến nay có nhiều loại bản đồ và thay đổi qua nhiều thời kỳ khác nhau; khung pháp lý quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thay đổi liên tục; phần mềm miễn phí VILIS 2.0 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý theo các thông tư mới.

Công tác đo đạc đã cơ bản hoàn thành tại 475/489 xã, phường, thị trấn với 20.248 tờ bản đồ.

Nhiều người nhận xét, do việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai chưa hoàn thành nên người dân muốn tra cứu các thông tin liên quan đến công tác đất đai gặp nhiều khó khăn. Khi muốn kiểm tra vị trí thửa đất cụ thể, nhiều thửa đất dù đã sử dụng ổn định, nhưng thông tin không hiển thị hoặc không đầy đủ như mong muốn.

Đồng thời, do vướng mắc trong việc tích hợp và liên kết dữ liệu về đất đai giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, nên công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất và phát hiện sai phạm gặp không ít khó khăn. Dữ liệu cập nhật về đất đai không đầy đủ đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc ban hành quyết định liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn

Từ ngày 1/8/2024 đến 30/6/2025, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành công tác kiểm kê đất đai. Cụ thể là: Kiểm kê diện tích các loại đất theo quy định và đối tượng đang quản lý, sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất sân golf, cảng hàng không, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác. Việc kiểm kê này nhằm đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động đất đai trong 5 năm qua; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân.

Hà Nội cũng phấn đấu hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trong năm 2025, với nhiều nội dung quan trọng. Nổi bật là: Hoàn thành kiểm tra nghiệm thu đo đạc bản đồ; hoàn thiện kê khai, đăng ký đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nâng cấp và thử nghiệm phần mềm VILIS 2.0; vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên hệ thống…

Theo đó, cùng với việc triển khai kiểm kê đất đai trên phạm vi toàn thành phố từ ngày 1/8, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các đơn vị thi công, kiểm tra nghiệm thu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công việc còn lại của dự án. Sở đã thành lập 5 tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra tiến độ, chất lượng sản phẩm bản đồ địa chính, kê khai đăng ký, xây dựng cơ sở dữ liệu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các gói thầu thuộc dự án.

Công tác kiểm kê đất đai theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của Hà Nội không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại, mà còn hướng đến xây dựng một hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, góp phần xây dựng chính quyền điện tử. Đây là bước ngoặt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin đất đai.

Hồng Vân

(theo baovephapluat.vn)

Nguồn: https://baovephapluat.vn/kinh-te/do-thi-xay-dung/kiem-ke-dat-dai-xay-dung-ho-so-dia-chinh-tren-toan-tp-ha-noi-tu-ngay-1-8-162152.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

TRÀ VIỆT - VĂN HOÁ VÀ DI SẢN: Vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững ngành trà Việt Nam

Mạng lưới phát triển doanh nhân văn hoá sáng tạo Việt Nam - ASEAN (thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội) phối hợp cùng Cộng đồng Yêu trà Việt chính thức công bố chương trình: Vinh danh...