Kinh tế 7 tháng duy trì xu hướng tích cực
Trong 7 tháng năm 2024, tuy nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, nhưng các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, nhờ đó, tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. (Ảnh: HNV)
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng 2024 của Tổng cục Thống kê vừa công bố, về sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 15/7/2024, cả nước gieo cấy được 1.206,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,5% cùng kỳ 2023; đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.902,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,6% cùng kỳ 2023. Tuy chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm, nhưng chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định. Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 7 ước đạt 13,8 nghìn ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2023. Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 841,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2023.
Infographic sản xuất nông nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng qua so với cùng kỳ 2023 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm 2023.
Infographic sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động đầu tư
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Đáng chú ý, trong tháng 7, cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với tháng 6/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có khoảng 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2023; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Infographic tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, xuất nhập khẩu và chỉ số giá
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2024 có 64 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 122 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ 2023; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 28,6 triệu USD, giảm 83,3%. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ 2023.
Infographic vận tải hành khách và hàng hóa, khách quốc tế đến Việt Nam, một số tình hình xã hội
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2023. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm 2023 xuất siêu 16,5 tỷ USD).
Tín hiệu sáng tích cực nữa là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ 2023. Theo đó, trong tháng 7, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt người, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng tổng hợp một số thông tin về tình hình xã hội, trong đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả, trong đó nổi bật là chính sách tăng mức lương cơ sở được thực hiện từ ngày 01/7/2024. Chính sách tặng quà tri ân nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ gồm hai mức quà tặng 600.000 đồng và mức 300.000 đồng/xuất theo từng đối tượng cụ thể. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo.
Tất cả những thông tin cùng các số liệu trên được tổng hợp lại từ các nguồn báo cáo cơ sở, trên cơ sở diễn biến trong thực tế, minh chứng cho sự duy trì xu hướng tích cực trong khó khăn từ đầu năm 2024, làm cơ sở, nền tảng để chúng ta tin tưởng vào mục tiêu cuối năm 2024 có thể đạt được./.
HNV
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/kinh-te-7-thang-duy-tri-xu-huong-tich-cuc-673946.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức
- Có nên áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón?
- Triển lãm ASEAN Ceramics & Stone 2024 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh
- Sắp công bố sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
- Việt Nam sẵn sàng chào đón các tập đoàn của UAE vì sự thịnh vượng chung
- Quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Kỳ 4. Chè Việt - Di sản và Tương lai: Cơ hội và Thách thức trên “Đường đua Hội nhập”