Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều
Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều nhằm bày tỏ ước nguyện của dân làng về một vụ mùa tốt tươi, thóc về đầy bồ, lúa về đầy kho. Hoạt động dân gian lâu đời này có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, góp vào bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam những sắc màu văn hóa lung linh, rực rỡ.
Những ngày đầu xuân công chúng Thủ đô có dịp hiểu hơn về văn hóa giàu bản sắc của người Bru - Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2024, diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Theo tín ngưỡng của người Bru - Vân Kiều, trước khi đem hạt giống được cất giữ trong năm ra để trỉa xuống đất gieo mầm một vụ mùa mới, phải làm lễ xin thần trời, thần nước, thần núi, thần rừng, những vị thần đã gìn giữ và bảo hộ cho hạt giống được sinh sôi nảy nở, đến mùa thu hoạch ngô chắc hạt, lúa chín nặng bông.
Những bài chiêng mời gọi các vị thần về dự buổi lễ thiêng liêng của bản làng được các thanh niên Bru - Vân Kiều tấu nên rộn ràng.
Để tiến hành Lễ trỉa lúa người dân bản làng chọn một già làng làm chủ lễ, ông là người có uy tín với cộng đồng, am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi Lễ.
Lễ trỉa lúa (còn gọi là Lễ hội Lấp lỗ) của đồng bào Bru - Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thường tổ chức từ ngày 11 - 14/7 (âm lịch) hằng năm, gồm hai phần Lễ và Hội. Trong phần Lễ dân làng trang trọng chuẩn bị các vật phẩm Lễ với sự tham dự của người dân bản làng.
Già làng thực hiện nghi thức Lễ, xin mang những hạt giống để gieo trồng cho một vụ mùa mới, già làng cất lời khấn cầu thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, cho hạt giống mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ được khỏe mạnh, xanh tốt, chim chóc, muông thú không phá hoại để có mùa màng bội thu người dân bản làng ấm no…
Cuối phần lễ, dân bản vai đeo gùi tay cầm gậy chọc xuống đất, tay kia nhanh chóng gieo từng hạt giống xuống từng lỗ. Đó là những hạt giống chất chứa bao mưa nắng của trời, bao hy vọng cho một vụ mùa ấm no, một cuộc sống đủ đầy, sung túc, được đồng bào cất giữ cẩn thận bên trong những nếp nhà sàn.
Nối tiếp phần Lễ là phần Hội, dân bản quây quần, tụ họp bên những mâm cỗ và uống rượu cần trò chuyện vui vẻ, giao lưu văn nghệ.
Phần hội diễn ra trong không khí rộn ràng, đồng bào và khách cùng giao lưu văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian. Họ gác lại những chật vật, vất vả của cuộc sống nơi bản làng xa xôi để cùng nhau vui vầy, cùng hòa mình vào không gian văn hóa.
Lễ hội là một bảo tàng sống lưu giữ nhiều bài hát dân gian, các làn điệu cồng chiêng cổ truyền của người Bru – Vân Kiều. Đây là những giây phút được đồng bào đón chờ nhất sau những ngày làm việc vất vả, để họ cùng nhau chia sẻ những dự tính cho mùa vụ tới.
Nét nhân văn nổi bật trong Lễ hội là dịp đồng bào người Bru – Vân Kiều thể hiện tình đoàn kết, gắn bó nhau, cùng nhau xây dựng bản làng giàu đẹp, ấm no và hạnh phúc.
N.Dương
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/anh/le-hoi-tria-lua-cua-nguoi-bru-van-kieu-660045.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024