Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Đây là sự kiện đã thành truyền thống được quận Hai Bà Trưng tổ chức hằng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc là Trưng Trắc, Trưng Nhị và các vị tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà - những người đã viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước, giữ nước.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng của dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị và những tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà, tại Đền Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng.
Ngày 15/3 (tức mùng 6 tháng Hai năm Giáp Thìn 2024), tại di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024).
Dự chương trình có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội.
Tại buổi lễ, thay mặt Ban tổ chức Lễ hội trình bày diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công Nguyên, khi Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.
Ngày mùng 6 tháng Hai năm Quý Mão, tương truyền, sau khi quyết chiến với kẻ thù, quyết không để sa vào tay giặc, Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Khí phách của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân, dân làng đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ. Năm 1142, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ Hai Bà Trưng ngay tại bờ sông. Năm 1819, do bến sông sạt lở, đền thờ được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng bày tỏ: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tình cảm mỗi người dân Việt như một huyền thoại, Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí vươn lên và tinh thần quật khởi - “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Quần thể Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích đặc sắc hiếm có tại trung tâm Thủ đô, mà nổi bật là Đền Hai Bà Trưng với kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trong Đền hiện lưu giữ nhiều di vật quý, như: 27 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, tám pho tượng thờ, hai tấm bia đá cổ ghi sự tích Hai Bà Trưng, hai bộ kiệu thời Nguyễn.
Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử, năm 2019, di tích Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với di tích quốc gia Miếu thờ Hai Bà Trưng tại phường Bạch Đằng, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng tại phường Đồng Nhân là điểm tham quan thường xuyên của du khách gần xa, niềm vinh dự của Thủ đô nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng.
Không chỉ lưu giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, cụm di tích còn mang giá trị văn hóa phong phú là lễ hội Hai Bà Trưng - một lễ hội đặc biệt được tổ chức ở 3 địa phương trên địa bàn Hà Nội, thể hiện gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư, tôn kính Nhị vị Vua Bà.
Màn biểu diễn sử thi tái hiện không khí hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền nêu rõ: Tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng và các danh tướng, nghĩa sĩ, khắp trên cả nước, đâu đâu cũng có di tích gắn với cuộc khởi nghĩa lịch sử, với hoạt động lễ hội kỷ niệm được tổ chức thường niên, góp phần gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục lịch sử cho các thế hệ. Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hai Bà Trưng luôn đoàn kết, phấn đấu không ngừng để phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo mọi mặt đời sống người dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn lưu mãi sử xanh. Quận Hai Bà Trưng sẽ vững bước tiến lên, mãi mãi xứng đáng là quận được vinh dự mang tên hai vị nữ anh hùng của dân tộc.
Lễ hội chính năm nay diễn ra vào ngày 15/3 (tức ngày 6 tháng Hai âm lịch) gồm các hoạt động: Lễ dâng hương và lễ cấp thủy trên sông Hồng theo truyền thống tín ngưỡng. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động vui chơi truyền thống, biểu diễn văn nghệ nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
PV
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/le-hoi-truyen-thong-ky-niem-1984-nam-cuoc-khoi-nghia-hai-ba-trung-661371.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024