Lễ “kết nghĩa anh em” - linh hồn văn hóa của người Cơ Tu
Ẩn mình trong dãy Trường Sơn hùng vĩ ở miền Tây Quảng Nam, người Cơ Tu lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo qua từng nghi lễ truyền thống.
Trong đó, lễ “kết nghĩa anh em” (Pâr Ngóoch) như một minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết và sự trường tồn của cộng đồng. Với những nghi thức trang nghiêm, không khí lễ hội rộn ràng và ý nghĩa sâu sắc, Pâr Ngóoch không chỉ là cầu nối gắn kết các làng mà còn là nơi hội tụ của tình thân, lòng hiếu khách và niềm tự hào văn hóa. Đến với Pâr Ngóoch, ta không chỉ được tham gia lễ hội, mà còn cảm nhận được hơi thở của lịch sử và tình người, đọng lại trong từng điệu múa, tiếng chiêng và lời khấn vái linh thiêng.
Theo già làng Y Kông, ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, lễ Pâr Ngóoch nhằm củng cố tinh thần đoàn kết giữa các làng. Nghi lễ giúp hòa giải, hàn gắn mâu thuẫn và thiết lập mối quan hệ như anh em một nhà. Đồng thời, đây còn là dịp để cả hai làng hỗ trợ lẫn nhau trong lao động, săn bắt, hái lượm và chống chọi với thiên tai, thú dữ. Pâr Ngóoch cũng tạo cơ hội cho thanh niên các làng giao lưu, tìm hiểu và xây dựng những mối tình bền chặt, gắn bó lâu dài.
Múa Tung tung - za zá của người Cơ Tu trong lễ hội Pâr ngóoch.
Lễ Pâr Ngóoch là sự kiện lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng của cả hai làng trong nhiều tháng. Các gia đình bắt đầu tích trữ nếp, rượu cần, gà vịt và những sản vật đặc trưng. Phụ nữ tỉ mẩn đan chiếu, dệt váy, trong khi đàn ông săn bắt thú rừng và đánh cá. Tất cả đều hướng đến một lễ hội trọn vẹn, nơi mỗi người, từ già đến trẻ đều có thể tham gia và tận hưởng.
Nhà Gươl là trung tâm của buổi lễ, nơi tập trung lễ vật và thực phẩm truyền thống. Những món ăn như cơm lam, cá niên nướng, rượu cần, rượu tà vạt,... được chuẩn bị chu đáo, thể hiện sự phong phú và tinh tế trong ẩm thực của người Cơ Tu.
Lễ hội chính thức mở đầu bằng nghi thức dâng lễ vật lên Yàng và tổ tiên tại nhà Gươl. Hai chủ làng khấn vái, bày tỏ lòng thành kính và cầu mong cho hòa bình, phát triển, đoàn kết và chia sẻ. Tiết gà được bôi lên trán các thành viên, tượng trưng cho tình đoàn kết và sự gắn bó lâu dài.
Ngoài sân, tiếng trống chiêng vang lên hòa cùng điệu múa Tâng tung - za zá sôi động. Thanh niên trai tráng mạnh mẽ dẫn đầu, theo sau là các già làng uy tín, phụ nữ và trẻ em. Điệu múa truyền thống hòa nhịp với niềm vui, tạo nên bầu không khí rộn ràng, tràn đầy năng lượng.
Lễ hội Pâr Ngóoch không chỉ là một sự kiện cộng đồng mà còn là minh chứng cho tổ chức và kỉ luật của người Cơ Tu từ xưa. Họ thể hiện sự công bằng trong chia sẻ, trao tặng và ứng xử với nhau, từ việc phân chia thức ăn, quà tặng cho đến phần dành riêng cho em bé chưa sinh hay người vắng mặt.
Ngày nay, lễ Pâr Ngóoch vẫn được duy trì như một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khẳng định giá trị văn hóa sâu sắc của người Cơ Tu. Trong tiếng hát giao duyên và những điệu múa truyền thống, ta thấy được một tinh thần gắn bó mạnh mẽ - một di sản văn hóa trường tồn cùng thời gian.
Tiên Sa
(theo ngaymoionline.com.vn)
Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/le-ket-nghia-anh-em-linh-hon-van-hoa-cua-nguoi-co-tu-57132.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Sắp diễn ra Tết làng Việt 2025 tại Làng cổ Đường Lâm
- Công bố Talk show “Khỏe - Đẹp - Khoa học"
- Khoảng 1.000 kiều bào sẽ tham dự 'Xuân Quê hương' 2025
- Khởi động Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng DIFF 2025 và chuỗi sự kiện đồng hành
- “Quà tặng của nhân gian” tại Văn miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
- Bình chọn 15 sự kiện văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2024
- Tự tin, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc